Kinh tế

Nông dân miền Tây phải làm gì để giàu lên nhờ cây lúa?

18/11/2022, 20:04

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, để nông dân có thể làm giàu, phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Khi cây lúa "oằn mình"

Ngày 18/11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa".

img

Quang cảnh hội thảo.

Hiện tại, vùng ĐBSCL chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước, là vựa lúa lớn nhất nước, khi đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam

Tuy nhiên, theo GS Võ Tòng Xuân, Hiện trưởng Danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, dù hy sinh lớn nhưng người trồng lúa vẫn chưa làm giàu được, do chạy theo sản lượng bằng việc sử dụng quá nhiều hóa chất, giá thành cao, chất lượng thấp, lại phí phạm nước tưới.

Trong khi đó, một số ít nông dân đã làm giàu nhờ chuyển sang sản xuất những loại cây con khác không phải cây lúa.

img

GS Võ Tòng Xuân phát biểu tại hội thảo.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn chưa ổn định, vẫn còn thấp so với các loại nông sản khác.

Những bất ổn liên quan nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá bán thấp tiếp tục đe dọa đến thu nhập của nông dân trồng lúa khiến cuộc sống người dân thiếu bền vững. Vì vậy, cần có những giải pháp để giúp người dân nâng cao thu nhập, an tâm sản xuất lúa bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, trong nhiều thập kỷ qua, vùng ĐBSCL đã gánh và làm tròn trách nhiệm an ninh lương thực của mình.

Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, thế giới xảy ra nhiều vấn đề như hạn hán, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, đe dọa đến an ninh lương thực, thực phẩm ở nhiều quốc gia. Các cường quốc về gạo đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu gây lo lắng cho nhiều nước.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam không những đảm bảo đời sống cho hàng trăm triệu người dân trong nước mà còn thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Việc đẩy mạnh cung ứng lúa gạo ra toàn cầu và vùng ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong thành tựu đó.

img

Để nông dân có thể làm giàu, phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Lê Minh Hoan cho rằng: “Đã rất nhiều năm chúng ta chạy theo tư duy sản xuất, lấy sản lượng làm mục tiêu. Chủ yếu là chúng ta làm mọi giải pháp để tăng sản lượng nhưng hiện tại đã tới sản lượng không tỷ lệ thuận với thu nhập. Vì thế, cần phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.

Tại hội thảo, đại diện Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã chia sẻ về “Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu”.

Trong đó, sẽ đánh giá hiện trạng sản xuất lúa vùng ĐBSCL, vai trò, kết quả sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo của vùng. Đồng thời, đánh giá tiềm năng, lợi thế và xác định địa bàn bố trí vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phương án sản xuất, chế biến, tiêu thụ cũng như giải pháp phát triển bền vững vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao.

Dịp này, Báo Thanh Niên đã tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Nghĩa tình miền Tây". Sau thời gian phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 bài viết từ các tác giả trong và ngoài nước tham gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.