Thị trường

Nông dân Sóc Trăng nói gì khi phá vỡ hợp đồng bao tiêu mía?

21/02/2022, 12:35

Nhà nông cho rằng bán cho thương lái nhanh gọn, lời hơn bán cho công ty đã ký hợp đồng bao tiêu…

Giá mua thấp, nhưng lãi cao hơn!

Ngày 21/2, chúng tôi đến huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng - nơi hiện đang có một hộ bán mía cho thương lái đưa đi tiêu thụ ngoài tỉnh. Khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao đã hợp đồng với SOSUCO nhưng lại “bẻ kèo”, bán mía cho thương lái đưa đi tỉnh ngoài, những nông dân này nói thẳng: “Bán cho thương lái khỏe, lời hơn”.

img

Nông dân cho rằng bán mía cho thương lái sẽ "thoáng" hơn.

Một nông dân ở xã An Thạnh Ba (huyện Cù Lao Dung) phân tích: “Công ty SOSUCO mua của nông dân chúng tôi giá 1,1 triệu đồng cho 1 tấn mía sạch đạt 10 CCS (chữ đường) nhưng chi phí đốn chặt mía nông dân phải chịu. Hơn nữa, việc đo chữ đường nhiều năm nay nông dân chúng tôi rất thiệt thòi vì ít khi SOSUCO đo đạt 10 chữ đường lắm, thường là thấp hơn.

Trong khi đó, thương lái mua rất thoáng, nông dân có lời nhiều hơn. Hiện nay chúng tôi bán mía cho thương lái với giá từ 900.000 đồng đến 930.000 đồng/tấn mía nhưng họ mua hết cả ruộng, không đo chữ đường gì cả. Mọi chi phí như đốn chặt mía, vận chuyển… họ chịu hết, nông dân không mất một khoản chi phí nào.

Hiện nay, giá nhân công đốn chặt 1 tấn mía bình quân 220.000 đồng. Tính ra, mỗi công (1.000 m2) mía, sau khi trừ chi phí, chúng tôi còn lời khoảng 4 triệu đồng. Bán cho nhà máy, mía đạt 10 chữ đường mới có giá 1,1 triệu đồng/tấn nhưng tiền thuê người đón chặt là của mình, tính ra lỗ mỗi tấn mấy chục ngàn đồng”.

Một nông dân ở xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung) cho biết: “Một số hộ bán cho thương lái trước Tết Nguyên đán với giá 870.000 đồng/tấn khi mía chưa đến kỳ thu hoạch. Bây giờ vào vụ, thương lái cho người xuống đốn chặt mía. Một công mía thu hoạch ít nhất cũng khoảng 13 tấn, bán với giá 870.000 đồng/tấn được trên 11,3 triệu đồng, không cần quan tâm đến chữ đường.

Chúng tôi chỉ có việc ngồi xem cân mía rồi nhận tiền. Tính ra, sau khi trừ chi phí, lời khoảng 6 triệu đồng cho 1 công mía. Chứ bán cho SOSUCO, họ đo khó đạt 10 chữ đường lắm, tính ra bán cho nhà máy lỗ nặng”.

img

Nông dân cho rằng, SOSUCO đo chữ đường thì sẽ rất khó đạt.

Một thương lái đang thu mua mía ở xã An Thạnh Ba chia sẻ: “Chúng tôi mua của bà con là mua mão (mua nguyên cả ruộng mía, không đo chữ đường). Ngày thu hoạch, chúng tôi thuê người đốn chặt mía, cân xong cho vận chuyển lên ghe đưa đi tiêu thụ ở nơi khác. Đến nhà máy mình bán mới đo chữ đường và mía ở Sóc Trăng luôn đạt cao, đa số trên 10 chữ đường, có nhiều nơi lên đến 12-13 chữ đường.

Mấy hôm nay nghe thông tin Công ty SOSUCO đề nghị can thiệp, không cho đưa mía từ vùng nguyên liệu do SOSUCO đầu tư ra khỏi tỉnh nhưng điều này rất khó khả thi vì thương lái thu mua mía của bà con, chúng tôi làm sao biết hộ nào hợp đồng với công ty để không mua của bà con vì chỉ có khoảng trên 1.000 hộ hợp đồng với công ty, còn lại nhiều hộ không hợp đồng”.

SOSUCO vẫn tiếp tục lêu cứu

Như Báo Giao thông đã thông tin, trước đó, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) cho biết công ty đã có công văn gửi đến UBND tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan chức năng của tỉnh, UBND các huyện Cù Lao Dung, Long Phú (Sóc Trăng) về việc một số thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu của Công ty SOSUCO đưa đi bán cho các nhà máy đường khác.

img

Nhiều nông dân phá vỡ hợp đồng bao tiêu, tự bán cho thương lái.

Theo ông Hiếu, niên vụ sản xuất 2021-2022, SOSUCO đã ký hợp đồng đầu tư trực tiếp với người trồng mía ở Sóc Trăng với diện tích gần 2.000 ha. Toàn bộ diện tích này SOSUCO đã đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công… cho nông dân với tổng giá trị đầu tư (tính đến thời điểm hiện nay) trên 15 tỷ đồng (bình quân mỗi héc-ta công ty đầu tư khoảng 30 triệu đồng).

SOSUCO đã hỗ trợ toàn bộ lãi vay đầu tư để nông dân có điều kiện chăm sóc mía và cải thiện thu nhập từ việc trồng mía. Theo hợp đồng đã ký thì người dân nhận đầu tư, cam kết bán toàn bộ sản lượng mía cho SOSUCO và công ty cam kết thu mua hết sản lượng này.

Theo ông Hiếu, giá mua mía của nhà nông được SOSUCO thông báo công khai với mức 1,1 triệu đồng/tấn mía sạch 10 chữ đường (giá mua tại ruộng bốc lên phương tiện vận chuyển của bên mua, chi phí vận chuyển về nhà máy đường Sóc Trăng do SOSUCO chịu). Ngoài ra, các hộ thực hiện đúng cam kết, SOSUCO sẽ hỗ trợ thêm từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn mía sạch

Tuy nhiên từ tháng 12/2021 đến nay xuất hiện một số thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO để đưa đi Tây Ninh bán cho các nhà máy đường khác với sản lượng từ 500-600 tấn/ngày. Một số hộ nông dân vì lợi ích trước mắt đã phá hợp đồng với SOSUCO, tự ý thu hoạch mía bán cho thương lái vận chuyển ra ngoài vùng.

img

Thương lái mua mía sẽ tự vận chuyển.

“Việc các thương lái tranh mua mía của SOSUCO đã đầu tư đưa đi bán cho các nhà máy đường khác gây mất ổn định ở địa phương, nhiễu loạn vùng nguyên liệu và ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của SOSUCO nói riêng và thị trường mía đường trong nước nói chung. Công ty SOSUCO có nguy cơ phải dừng sản xuất sớm do thiếu mía và mất vốn đầu tư do không thu hồi được từ việc thu mua mía”, ông Trần Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

SOSUCO cũng đã gửi công văn đề nghị Công ty CP Mía đường Thành Thành Công (Biên Hòa) - đơn vị được cho là mua mía có nguồn gốc của SOSUCO, không tổ chức thu mua, tiếp nhận mía có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh Sóc Trăng dưới bất cứ hình thức nào.

SOSUCO đề nghị các đơn vị sản xuất mía đường khác cần tôn trọng nguyên tắc tự xây dựng vùng nguyên liệu của mình theo hướng liên kết sản xuất bền vững theo chuỗi cung ứng để từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.