Văn hóa - Giải Trí

NSƯT Lê Thiện: "Danh hiệu NSND không phải là mục đích cuối cùng"

09/08/2022, 19:05
image

NSƯT Lê Thiện đã có chia sẻ sau khi UBND TP. HCM gửi công văn kiến nghị Bộ VH,TT&DL, Hội đồng cấp Nhà nước, xét lại danh hiệu NSND cho bà.

Mới đây, UBND TP. HCM đã gửi công văn kiến nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Hội đồng cấp Nhà nước, xét tặng lại danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) đối với Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Thiện và 5 NSƯT bị đánh trượt danh hiệu NSND trước đó.

img

NSƯT Lê Thiện

Chia sẻ với Báo Giao thông về việc này, NSƯT Lê Thiện cho biết, sáng 8/9, khi các cháu gọi điện báo tin, bà mới biết và khá bất ngờ.

"Trước đây, lúc bị loại khỏi danh sách, tôi có hơi sốc một chút nhưng sau đó cũng không quan tâm đến nó nữa. Bây giờ có được trở lại thì tôi thấy cũng bình thường. Vì với tôi, được danh hiệu thì tốt mà không được cũng không sao.

Tôi đã xác định được vị trí cho mình. Danh hiệu NSND không phải là mục đích cuối cùng để tôi cống hiến với nghề, vì vì nếu "sống chết" để có danh hiệu này tôi sẽ không để đến bây giờ.

Bây giờ, tôi thấy hạnh phúc không phải vì mình có tên trong danh sách mà vì tình thương của đồng nghiệp, khán giả", nữ nghệ sĩ gạo cội bộc bạch.

Sau cùng, NSƯT Lê Thiện gửi lời cảm ơn khán giả, đồng nghiệp, cơ quan báo đài, các cơ quan chức năng… đã quan tâm bà sau lần bị trượt danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND.

img

NSƯT Lê Thiện và các diễn viên trẻ của Nhà hát Trần Hữu Trang

Ngày 26/7, Bộ VH,TT&DL đăng tải danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT để lấy ý kiến nhân dân trong vòng 20 ngày (tới hết 16/8).

Đây là danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.

Tuy nhiên, trong danh sách này, một vài tên tuổi như NSƯT Lê Thiện, hai anh em NSƯT Quốc Cơ, NSƯT Quốc Nghiệp, NSƯT Thoại Mỹ... không được hội đồng chuyên ngành thông qua.

NSƯT Lê Thiện tên thật là Tô Đặng Thị Thiện – sinh năm 1945 trong một gia đình làm nông tại Bình Định. Bà từng giữ chức vụ Phó Giám Đốc Nhà hát Trần Hữu Trang phụ trách đoàn Xung kích đi biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa,...

Sau gần 50 năm hoạt động làm nghệ thuật trong lĩnh vực Cải lương bà đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng qua các vai diễn để đời như: "Dệt gấm", "Khuất Nguyên", "Tiếng sấm Tây nguyên", "Mùa xuân", "Rạng ngọc Côn Sơn", "Ánh sáng phù du", "Thạch sanh - Lý thông", "Hòn đảo thần vệ nữ", "Bao mạch nữ",..

Ngoài ra bà còn nổi tiếng trong làng điện ảnh, clip ca nhạc với các vai diễn khác nhau tiêu biểu là vai bà nội trong phim: "Dù gió có thổi", "Vừa đi vừa khóc", "Cá rô em yêu anh"...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.