45 năm xây dựng và phát triển thương hiệu “Tuổi trẻ”
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Tạ Quang Đông khẳng định trải qua 45 năm hình thành và phát triển, Nhà hát Tuổi trẻ đào tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ thành danh, được công chúng mến mộ, trở thành những hạt nhân cho nền nghệ thuật nước nhà.
Nhiều thế hệ nghệ sĩ gặp lại nhau tại sự kiện kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Quang Vinh
Có thể kể đến các giám đốc NSND Phạm Thị Thành, Trần Tiến Thuật, NSND Lê Hùng, Trương Nhuận, NSƯT Chí Trung, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, các NSND Anh Tú, Lan Hương, Lê Khanh, Minh Hằng…
Để tiếp tục lan tỏa những thông điệp tích cực đến với công chúng và thế hệ trẻ thông qua nghệ thuật, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Nhà hát tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như nhận thức sâu sắc các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, từ đó kịp thời tham mưu các chính sách cho Đảng, Nhà nước và Bộ VH,TT&DL, đặc biệt là các chính sách về văn hóa văn nghệ, phấn đấu xây dựng phong cách riêng, độc đáo và hấp dẫn khán giả trẻ.
Thứ trưởng cũng đề nghị Nhà hát Tuổi trẻ cần chủ động thu hút các cán bộ, NSND, NSƯT giảng dạy, công tác, có chế độ đãi ngộ, tôn vinh các các nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, có nhiều cống hiến.
"Cần xây dựng tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng cao phù hợp với thị hiếu, tâm lý của tuổi trẻ, góp phần giáo dục thẩm mỹ, tư tưởng, đạo đức, phong cách sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Nhà hát cần nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống của cán bộ, nghệ sĩ và người lao động", Thứ trưởng Bộ VH,TT&D đề nghị.
Các cá nhân, tập thể của Nhà hát Tuổi Trẻ nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL. Ảnh: Quang Vinh
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến gửi lời cảm ơn Thứ trưởng Tạ Quang Đông. Thay mặt tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát, NSƯT Sĩ Tiến khẳng định sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
"Chúng tôi luôn tạo điều kiện để mỗi nghệ sĩ phát triển bản thân, khẳng định thương hiệu cá nhân và từng bước trưởng thành cùng với thương hiệu Nhà hát.
Là thành viên tổ chức ASSITEJ, Hiệp hội sân khấu thế giới dành cho trẻ em, nhà hát luôn chú trọng các thử nghiệm mới, mời các đạo diễn trong và ngoài nước hợp tác, sáng tạo với cách tiếp cận nội dung đa dạng, không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, hiện đại đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày một khắt khe của khán giả trẻ.
Mặt khác, chúng tôi cũng mong muốn góp phần giới thiệu xu thế sân khấu thế giới đương đại, giúp nâng cao thị hiếu khán giả, qua đó nuôi dưỡng, xây dựng những hoài bão và ước mơ, là nơi rèn luyện tư duy và phẩm chất cho những người trẻ tuổi thông qua nghệ thuật, đồng thời tạo cú hích tìm tòi, đổi mới chính mình", NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến nói.
Nghệ sĩ rưng rưng kỷ niệm
Bày tỏ trên sân khấu, NSƯT Ngọc Huyền xúc động bày tỏ: "Tôi thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên được đào tạo tại Nhà hát Tuổi trẻ. Lúc đó chúng tôi mới đều chỉ 16, 17 tuổi, rất trẻ dại. Cả tuổi thanh xuân của chúng tôi đều gắn liền với Nhà hát Tuổi trẻ.
Đối với tôi, nơi tôi sinh là Hà Nội, nơi tôi sống là Nhà hát Tuổi trẻ. Ở đây chất chứa cả một bầu trời ký ức, những điều thân thương lẫn đắng cay nhất của tôi".
NSND Lan Hương (thứ hai từ trái sang), NSƯT Ngọc Huyền (áo trắng) cùng các nghệ sĩ ôn lại kỷ niệm ở Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Toàn Vũ
Trong khi đó, NSND Lan Hương của phim "Em bé Hà Nội" cũng không giấu được xúc động khi chia sẻ về "ngôi nhà" mà chị đã gắn bó cả thanh xuân.
Chị rưng rưng khi nhắc tới người đồng nghiệp thân thiết - cố NSND Anh Tú. Anh từng giữ vị trí Trưởng đoàn kịch 1 của Nhà hát Tuổi trẻ trước khi được bổ nhiệm quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. 5 năm sau khi NSND Anh Tú qua đời, NSND Lan Hương vẫn "sợ" khi có ai nhắc tới Anh Tú với chị.
"Nhắc đến nơi này, người mà tôi muốn nhắc đến đầu tiên là nghệ sĩ Anh Tú – một người bạn diễn và một người bạn đời rất thân của tôi. Tôi với Tú đã có không biết bao nhiêu kỷ niệm ở nơi này.
Thời đó, Nhà hát mới thành lập nên mọi thứ còn khó khăn và thiếu thốn lắm. Nhà hát đi diễn mà không có địa điểm, toàn phải mượn các trụ sở của thôn, làng để diễn để phục vụ bà con. Khán giả cũng không có tiền mua vé, có khi trả bằng ống gạo, bơ lạc nhưng kéo đến xem đông lắm.
Nhiều lần biểu diễn cho thương binh, khán giả ngồi kín hội trường rồi mà vẫn có nhiều người đến đứng xếp hàng, đòi phải cho họ vào xem bằng được kể cả đứng. Những kỷ niệm đó đối với tôi là vô giá trong chặng đường hoạt động sân khấu ở Nhà hát Tuổi trẻ", nữ nghệ sĩ tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận