Hội thảo diễn ra ngày 18/10 nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các nữ doanh nhân |
Doanh nghiệp nữ gặp nhiều khó khăn, trở ngại
Tại Hội thảo hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do nữ làm chủ và góp ý cho dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV ngày 18/10, bà Bùi Tú Ngọc, nữ doanh nhân tại Hà Nội chia sẻ: Khi bà sang Úc thành lập một doanh nghiệp lĩnh vực dịch sách, được cơ quan chức năng đưa một cuốn sách hướng dẫn về DNNVV. “Tôi mất 30 phút làm thủ tục, được cán bộ thuế hướng dẫn tỉ mỉ và được cấp mã số thuế. Hoạt động hai năm, khi về nước, tôi giữ toàn bộ hóa đơn, khai báo đúng như những gì hướng dẫn trong cuốn sách. Sau ba tháng về Việt Nam, tôi nhận được séc qua bưu điện kèm thông báo tôi được hoàn thuế”, bà Ngọc khái quát quy trình, thủ tục minh bạch tại nước ngoài. Tuy nhiên, khi hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam thì bà gặp nhiều sách nhiễu và thủ tục rườm rà.
“Không chỉ rườm rà thủ tục và bị sách nhiễu, các chính sách ưu tiên phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy định nhưng không biết làm thế nào để được hưởng, nhất là về vốn vay. Bản thân tôi đã từng mang cả bản kế hoạch, hồ sơ đến ngân hàng nhưng không vay được đồng vốn nào mà phải quay về vay trong gia đình”, bà Ngọc nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thừa nhận, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp khó khăn hơn rất nhiều các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. “Có ý kiến phụ nữ vay vốn khó hơn nam do nam có thể mang giấy tờ tài sản gia đình đi thế chấp được nhưng nữ mang đi thì chưa chắc chồng đồng ý”, ông Lợi nói. Chuyên gia kinh tế Lê Quang Cảnh cũng cho rằng, khó khăn trở ngại của nữ làm chủ DNNVV rất nhiều. “Doanh nhân nữ vừa phải chiều chồng, chăm con và làm kinh tế. Nói như các chị là lo từ củ hành, bát nước mắm tới hội nhập”, ông Cảnh nói.
Đề nghị luật hóa quy định hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ
Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, khi dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV mang ra lấy ý kiến, các nữ doanh nhân đều cho rằng dự thảo còn quá chung chung.
Doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm tỷ lệ 1/4 tổng số DNNVV, tạo việc làm cho 1,3 triệu lao động (14,3% tổng số lao động). Suất đầu tư của các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng thấp hơn do nam giới làm chủ, lần lượt là 1,2 tỷ đồng so với 1,7 tỷ đồng. Doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng có đóng góp cho ngân sách Nhà nước trung bình trên một lao động cao hơn doanh nghiệp do nam làm chủ và thực hiện chính sách xã hội cao hơn doanh nghiệp do nam làm chủ. |
Bà Trịnh Thị Giới, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nữ Thanh Hóa đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ vào dự luật bởi “nếu không sẽ không còn cơ hội và phải đợi vài chục năm nữa”. Cũng theo bà Giới, Nghị quyết 85 hỗ trợ doanh nghiệp nữ được giảm thuế “nhưng ai hướng dẫn, doanh nghiệp nào được giảm? Nói với cơ quan thuế thì họ bảo không thấy ai nói, nói với chính quyền thì họ cũng bảo không nghe ai nói. Mà quy định này có hiệu lực từ 15/10/2015 nhưng không có ai đứng ra hướng dẫn thực hiện”.
Bà Hoàng Anh Thơ, Trưởng ban Việc làm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng nhấn mạnh đề nghị bổ sung quy định “DNNVV do nữ làm chủ” vào Điều 9 và Điều 10 trong dự luật. Bà Thơ cũng kiến nghị, trong Điều 41 dự luật bổ sung quy định giám sát việc hỗ trợ DNNVV, bổ sung quy định giám sát việc đảm bảo bình đẳng giới trong việc hỗ trợ DNNVV. Cũng theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cơ quan này đang tham mưu đề xuất hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2017 phải hỗ trợ được bao nhiêu doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận