An ninh hình sự

Ông Chu Tiến Dũng chủ mưu các sai phạm tại Công ty Công nghiệp Sài Gòn

23/09/2022, 15:57

Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an xác định ông Chu Tiến Dũng là chủ mưu, cầm đầu trong các sai phạm tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn.

Ngày 23/9, nguồn tin của phóng viên xác nhận: Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (Công ty Công nghiệp Sài Gòn, CNS). Cơ quan An ninh điều tra cũng chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân nhân cùng cấp và đề nghị truy tố 10 bị can trong vụ án.

Bị can Chu Tiến Dũng là người chủ mưu, cầm đầu

Cơ quan ANĐT xác định ông Chu Tiến Dũng là Tổng Giám đốc, thành viên HĐTV CNS từ 25/12/2014. Từ 21/1/2015, ông Chu Tiến Dũng được cử làm Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo tái cơ cấu CNS.

Tuy nhiên, với các chức vụ trên, ông Chu Tiến Dũng đã làm trái quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng CNS và thực hiện thoái vốn đầu tư tại Công ty CP TIE (TIE), gây thất thoát tài sản của CNS.

img

Ông Chu Tiến Dũng - nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (CNS) vừa bị bắt tạm giam.

Cụ thể đối với quản lý sử dụng quỹ khen thưởng của CNS, dù chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng quỹ theo quy định nhưng từ 27/4/2016 đến 28/6/2018, ông Chu Tiến Dũng đã trực tiếp duyệt chi tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Tất cả các bộ hồ sơ chi thưởng do bị can Chu Tiến Dũng trực tiếp ký duyệt và chỉ đạo nói trên không có danh sách cá nhân được khen thưởng ký nhận cụ thể và không nêu rõ thành tích hỗ trợ, đóng góp cho CNS để được khen thưởng theo tiêu chí, điều kiện quy định tại nghị định số 91.

Kết luận điều tra cho biết ngày 19/2/2016, mặc dù TIE đã kết thúc năm tài chính năm 2015 và Chu Tiến Dũng được báo cáo về việc TIE có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 12 tỷ đồng nhưng Chu Tiến Dũng vẫn ký tờ trình đề xuất HĐTV CNS chấp thuận phương án thoái vốn (lần 1) của CNS tại TIE mà không đề xuất HĐTV CNS về việc điều chỉnh phương án, lộ trình thoái vốn để bảo vệ lợi ích của CNS tại TIE trước khi thoái vốn.

Tháng 3/2016, CNS thực hiện bán hơn 4 triệu cổ phiếu TIE để thoái vốn (tương đương 50% vốn điều lệ TIE) dẫn đến mất quyền nhận cổ tức năm 2015 tương ứng với số lượng cổ phiếu đã bán, với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.

Trong lần CNS thực hiện thoái vốn lần 2 (tháng 8/2016), dưới sự chỉ đạo của Chu Tiến Dũng, CNS đã bán 1.913.980 cổ phiếu TIE để thoái phần vốn góp còn lại, dẫn đến đơn vị bị thiệt hại hơn 1,3 tỷ đồng.

Như vậy, theo xác định của cơ quan ANĐT, trong việc duyệt ký các tờ trình và phiếu chi để chi tiền từ quỹ khen thưởng của CNS, bị can Chu Tiến Dũng đã gây thất thoát hơn 17 tỷ đồng, với vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Ngoài bị can Dũng, Cơ quan ANĐT xác định 10 bị can khác phạm cùng tội trong vụ án với mức vi phạm liên quan đến những số tiền thiệt hại khác nhau. Bị can Nguyễn Hoành Hoa nguyên Chủ tịch HĐTV CNS liên quan đến việc gây thất thoát tiền Nhà nước với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng trong việc thoái vốn của CNS tại TIE.

Bị can Nguyễn Hoàng Anh là Chánh văn phòng CNS đóng vai trò giúp sức cho bị can Chu Tiến Dũng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng, gây thất thoát hơn 11,7 tỷ đồng.

Bị Đỗ Văn Ngà nguyên là kế toán trưởng CNS liên quan đến việc giúp sức cho Chu Tiến Dũng vi phạm quỹ khen thưởng, gây thất thoát hơn 16,5 tỷ đồng, giúp sức cho bị can Nguyễn Hoành Hoa gây thất thoát hơn 4,6 tỷ đồng khi thoát vốn CNS tại TIE.

Ngoài các bị can trên, Cơ quan ANĐT còn đề nghị truy tố các bị can Vũ Lê Tùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc CNS, Huỳnh Tấn Tư, nguyên Phó Tổng Giám đốc CNS, Nguyễn Đức Vượng, nguyên Chánh Văn phòng CNS, Lê Viết Ba, nguyên Phó Phòng Tài chính kế toán CNS, Phạm Thúy Oanh, người đại diện vốn của CNS tại TIE, Hoàng Minh Trí, người đại diện vốn của CNS tại TIE.

Cơ quan ANĐT cũng cho biết kết quả điều tra đủ căn cứ xác định bị can Vũ Quốc Vinh là đồng phạm với các bị can trên. Tuy nhiên, do bị can Vinh đã bỏ trốn nên quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Vinh. Khi nào bắt được hoặc ra cơ quan đầu thú, Cơ quan ANĐT sẽ phục hồi điều tra theo quy định pháp luật.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an kết luận đây là vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị can là những người giữ chức vụ, vị trí cao trong đơn vị, được Nhà nước trả lương và giao nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là CNS và hoạt động đầu tư, quản lý vốn của CNS tại các công ty con.

Tuy nhiên, các bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại CNS, gây thất thoát tài sản, với giá trị đặc biệt lớn, cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hình sự.

Cũng theo kết luận điều tra, trong vụ án này các công ty con của CNS gốm Sagel, TIE và Công ty TNHH TM dịch vụ Hoa Mai đang được Cơ quan ANĐT tiếp tục tiến hành điều tra, làm rõ (có trong nội dung đơn tố cáo đề ngày 21/9/2018 và kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM ngày 21/8/2019).

Từ đó, Cơ quan ANĐT kiến nghị UBND TP.HCM cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát và chỉ đạo các tổ chưc, cá nhân thuộc thẩm quyền chấn chỉnh trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác quản lý tài sản, sử dụng vốn Nhà nước theo đúng pháp luật.

Kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các Tổng Công ty và doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về việc cử người đại diện vốn tại các công ty liên doanh, liên kết, đảm bảo quyền và lợi ích của cổ đông Nhà nước…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.