Về Việt Nam là một bước tiến trong sự nghiệp của tôi
Thưa ông, lý do nào ông chọn VinaCapital, chọn Việt Nam? Ông bị hấp dẫn bởi điều gì ở vị trí, công việc hiện tại?
Đó là một định mệnh!
Vì sao ông gọi là định mệnh?
Bạn thấy đấy. Năm 2013, Đảng của tôi - Đảng Dân chủ Tự do (FDP) thất bại tại cuộc bầu cử ở Đức nên tôi phải từ chức Phó thủ tướng. Sau đó tôi đảm nhận những vị trí như: Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, tham vấn cho quỹ đầu tư Founder’s Fund, cố vấn Hiệp hội khởi nghiệp Đức, thành viên ban chỉ đạo Digital Switzerland Initiative - dự án thúc đẩy Thuỵ Sĩ trở thành trung tâm sáng tạo số hoá...
Lúc làm việc tại Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới cách đây 5 năm tôi đã gặp ông Don Lam (Tổng giám đốc VinaCapital - PV). Lúc ấy ông Don Lam giới thiệu tôi với nhiều bạn trẻ đang khởi nghiệp. Tôi cảm nhận được sự đam mê và máu lửa của các bạn nên đồng ý về Việt Nam. Vì vậy khi ông Don Lam ngỏ lời mời tôi về Việt Nam, tôi nhận lời ngay.
Từ những sự kiện trong sự nghiệp chính trị gia của tôi, đến việc tôi gặp ông Don Lam là một định mệnh. Tôi nghĩ tất cả các kinh nghiệm, mối quan hệ mà từ những công việc trước đây của tôi đã chuẩn bị cho tôi một nền tảng, để sẵn sàng cho vị trí mà tôi đảm nhận hôm nay tại VinaCapital. Và quan trọng hơn, tôi muốn đóng góp một phần công sức của mình cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, cho sự phát triển của Việt Nam.
Từ vị trí Phó Thủ tướng Đức, Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, giờ là Chủ tịch Hội đồng cố vấn quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam - một đất nước “nhỏ bé” xét về quy mô kinh tế và “non yếu” trong nhiều lĩnh vực - với ông có là một “bước lùi” về sự nghiệp?
Không. Trở về Việt Nam là một bước tiến trong sự nghiệp của tôi. Như tôi đã nói, việc tôi trở về giống như một định mệnh.
Nền kinh tế của Đức lớn hơn Việt Nam, tuy vậy tôi nhìn thấy một điểm chung rất thú vị. Đó là cả hai nền kinh tế của Đức và Việt Nam tiến lên không phải từ việc bán nguồn tài nguyên quốc gia mà là từ nỗ lực của người dân. Người Đức và người Việt Nam nói chung có một đầu óc rất thông minh, sáng tạo. Họ muốn dùng các ý tưởng, chiến lược của mình để đưa đất nước đi lên. Tôi thấy rất hạnh phúc khi mình được góp một phần cho sự phát triển đó của Việt Nam.
Ông nhìn nhận như thế nào về Việt Nam, về môi trường kinh doanh, tiềm năng, cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp?
Đầu tiên là các bạn ở Việt Nam khởi nghiệp khi còn rất trẻ, máu khởi nghiệp còn rất sung sức. Các bạn khởi nghiệp khi có một hệ sinh thái rất tốt. Cùng với đó sự hỗ trợ về khung pháp lý, và sự ủng hộ rất lớn từ Chính phủ. Và quan trong hơn cả là cộng đồng khởi nghiệp, sáng tạo rất đam mê.
Trong một thế giới đang hội nhập, những cái gì vốn có của các bạn trẻ là cực kỳ quan trọng để khởi nghiệp. Và tôi thấy được các bạn trẻ khởi nghiệp, sáng tạo của Việt Nam khi họ có được những điều đó, với tinh thần của người Việt Nam.
Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bứt phá
Ông có kỳ vọng các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam sẽ có một sự bứt phá để có những sáng tạo mang tầm thế giới?
Đây là thời điểm để Việt Nam bứt phá để có một hệ sinh thái khởi nghiệp đúng tầm thế giới. Chúng ta chỉ mới bắt đầu trong guồng phát triển của thế giới. Tất nhiên có bạn khởi nghiệp nhanh, có bạn đi sau. Quan trọng là tất cả các bạn đều có sự đam mê, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và internet. Chúng ta có hơn 90 triệu người dân, là những khách hàng rất tiềm năng. Và tôi tin rằng, việc có những Startup của người Việt mang tầm thế giới là không quá khó và sẽ xuất hiện trong nay mai.
Ông có thể chia sẻ chiến lược của ông nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt khởi nghiệp?
Một trong những vai trò của tôi khi ở VinaCapital là mang những Startup Việt Nam đi ra thị trường quốc tế. Đồng thời với đó là mang những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để hỗ trợ cho các startup. Cụ thể nhất, trong ngày 15/3 vừa qua tại Hà Nội, tôi đã đưa 2 nhà đầu tư Thụy Sĩ đến gặp những Startup của VinaCaptial, họ rất thích và cuối cùng họ đã đồng ý rót vốn đầu tư vào. Đó là minh chứng đầu tiên về những việc tôi đã làm cho Startup Việt Nam.
Cái thứ hai là thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Thụy Sĩ, tôi đã có dịp gặp ngài ở đó. Tại một buổi meeting có sự tham dự của lãnh đạo tất cả những doanh nghiệp lớn nhất của Thụy Sĩ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp này hiểu về Việt Nam như thế nào, cơ hội đầu tư vào Việt Nam như thế nào. Nhờ những buổi gặp như vậy mà đã đưa đến những kết quả ban đầu là có những nhà đầu tư Thụy Sĩ đến Việt Nam như tôi đã nói.
Ông có đặt mục tiêu cụ thể nào cho mình ở vai trò, vị trí công việc mới tại VinaCapital? Với những kinh nghiệm trên chính trường cũng như trên thương trường quốc tế, ông kỳ vọng như thế nào về mục tiêu của mình?
Mục tiêu lớn nhất của tôi là mang càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam. Cùng với đó là đưa các Startup đi ra nước ngoài giới thiệu với các nước. Tôi lấy ví dụ như các món ăn, ẩm thực của Việt Nam rất ngon, nhưng nếu không được giới thiệu thì bạn bè năm châu ít ai biết đến.
Tôi đang dự định đưa một nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam trong thời gian sắp tới. Tôi sẽ giới thiệu các Startup Việt Nam với những nhà đầu tư này. Không chỉ là các Star up của VinaCapital đầu tư mà tất cả những Startup chúng tôi thấy có tiềm năng mang lại giá trị cho người Việt Nam và mang tầm thế giới. Đây là cách mà tôi đã làm khi tham gia Hiệp hội khởi nghiệp Đức. Thời điểm đó tôi cũng mang rất nhiều Star up của Berlin ra nước ngoài và họ phát triển rất tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Philipp Roesler sinh năm 1973 tại Sóc Trăng. Ông mồ côi và từng được nuôi dưỡng tại viện mồ côi công giáo của nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng Portieux tại Sóc Trăng. Khi được 9 tháng, ông được một gia đình quân nhân người Đức nhận nuôi. Ông Philipp Roesler theo học Đại học Y khoa Hannover và từng là bác sỹ phẫu thuật tim và lồng ngực. Năm 2009, ông Philipp Roesler trở thành Bộ trưởng Y tế trẻ nhất trong chính quyền Liên bang Đức và là người gốc Việt đầu tiên trở thành bộ trưởng ở một quốc gia châu Âu. Năm 2011 ông được bầu làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và công nghệ Đức. Thời điểm đó ông đã rất tích cực quảng bá cho cộng đồng khởi nghiệp của Đức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận