Sáng 23/10, buổi họp báo Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2019 - lần 2 với chủ đề “Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh”. Sự kiện diễn ra nhằm tìm ra những giải pháp cấp bách để thúc đẩy du lịch bền vững, chia sẻ về những bài toán chung của ngành du lịch.
Chia sẻ trong buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch cho rằng, ngành du lịch hiện nay đang gặp phải một số vấn đề trong các khâu như quản lý điểm đến, chất lượng dịch vụ, quảng bá xúc tiến du lịch…
Do đó, diễn đàn lần này cần bàn tới các giải pháp để cải thiện các yếu tố trên. Cải thiện công tác quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, quản lý xây dựng, quản lý giám sát việc thực hiện du lịch, quản lý môi trường du lịch để tạo ra môi trường an toàn thân thiện. Trong vấn đề quảng bá, cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết và huy động nguồn lực của các cơ quan ở nước ngoài, thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có một văn phòng xúc tiến du lịch duy nhất ở Hàn Quốc.
Trong vấn đề cấp thị thực, Việt Nam cũng cần phải tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam, mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử, cải tiến thủ tục cấp visa tại cửa khẩu, mở rộng kết nối hàng không.
Liên quan tới vấn đề xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế, Báo Giao thông đã đặt câu hỏi về vấn đề: Làm thế nào tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam thông qua con đường điện ảnh hiện nay. Bởi Việt Nam đang là quốc gia được nhiều nhà làm phim quốc tế để ý. Đặc biệt, sau thành công của bộ phim Kong: Skull Island? Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Quốc gia (TAB) cho biết, Bộ VH,TT&DL cũng như Chính phủ hiểu rõ vai trò của các phim "bom tấn" nếu quay tại Việt Nam. Nếu làm tốt, Việt Nam có thể có được sự quảng bá hình ảnh ra thế giới cực kỳ tốt mà không phải tốn nhiều chi phí.
“Tôi cho rằng, Nhà nước cần điều chỉnh một số quy định để đảm bảo: Các đoàn làm phim quốc tế sẽ cảm thấy thoải mái khi sang Việt Nam sản xuất và sáng tạo; Họ cảm thấy dễ dàng trong vấn đề làm thủ tục xin cấp phép. Chúng ta nên rạch ròi hai việc kiểm duyệt và sản xuất phim với các đơn vị quốc tế. Bởi đây là 2 việc khác nhau", ông Kiên cho biết.
Ông đưa thêm quan điểm, nếu các nhà làm phim quốc tế thoải mái sản xuất phim ở Việt Nam, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội và lợi thế: Tăng quảng bá du lịch, tạo công ăn việc làm thu nhập cho người dân địa phương.
Theo như trình tự hiện nay, các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam làm phim vẫn phải trải qua thủ tục nộp kịch bản lên cơ quan quản lý để duyệt mới được cấp phép. Điều này từng khiến Đoàn làm phim James Bond (Tomorrow never dies) vào Việt Nam khảo sát, dự tính quay ở Việt Nam nhưng sau đó bỏ sang Thái Lan. Sau đó, ông Đặng Tất Bình (nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện I) lý giải: Bởi đoàn phim muốn dùng thuốc nổ để cải tạo một số đảo ở vịnh Hạ Long, phục vụ bối cảnh quay nhưng Việt Nam từ chối điều này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận