Tháng 10 luôn là thời điểm nhạy cảm với các ứng viên Tổng thống Mỹ. Lịch sử bầu cử lãnh đạo Nhà Trắng đã cho thấy rất nhiều trường hợp bất ngờ xảy ra trong tháng “nước rút” khiến các ứng viên mạnh thua cuộc vào phút cuối. Trong cuộc đua giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden lần này, nhiều chuyên gia chính trị đã chỉ ra không ít bất ngờ.
Từng hưởng quả ngọt
Khái niệm “bất ngờ tháng 10” lần đầu tiên xuất hiện trên chính trường Mỹ là từ năm 1980 trong cuộc đua Tổng thống giữa ông Ronald Reagan - đại diện Đảng Cộng hoà và ứng viên Jimmy Carter, đại diện Đảng Dân chủ, theo kênh CBS của Mỹ.
Dẫn lại những ký ức của ông Larry Sabato, Giám đốc Trung tâm Chính trị tại Đại học Virginia, kênh CBS cho biết: Năm 1980 xảy ra sự kiện 52 người Mỹ bị bắt làm con tin tại Iran. Thời điểm ấy, ông Jimmy Carter cùng đội ngũ của mình tin chắc họ có thể tạo được bứt phá, giải phóng 52 con tin. Chỉ cần điều đó thôi là đủ mang lại chiến thắng.
“Nhưng, họ đã không tính tới việc Iran đột xuất hủy bỏ lời hứa ngay ngày Chủ nhật, trước tuần diễn ra bầu cử. Điều này, về cơ bản khiến người Mỹ thất vọng và họ muốn tìm đến một vị lãnh đạo khác có những đối sách mới giải quyết vấn đề con tin. “Bất ngờ tháng 10” năm đó đã giúp ứng viên Reagan chiến thắng”, ông Sabato nói.
Bản thân ông Donald Trump cũng đã được hưởng quả ngọt từ “bất ngờ tháng 10” trong cuộc đua năm 2016 với ứng viên Hillary Clinton, theo giới truyền thông Mỹ.
Ông Devlin Barrett, nhà báo của tờ Washington Post, tác giả cuốn sách vừa xuất bản “Bất ngờ tháng 10 - FBI đã tìm cách cứu mình và phá vỡ bầu cử như thế nào?” nhận định: Việc Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (FBI) Jim Comey thông báo về chi tiết điều tra mới liên quan tới cuộc điều tra bà Hillary Clinton trước đêm bầu cử 11 ngày đã làm thay đổi kết quả bầu cử, dù đó không phải là toan tính ban đầu của ông.
Đã có nghiên cứu được thực hiện năm đó chỉ ra, sự kiện này làm thay đổi tỷ lệ ủng hộ bà Hillary Clinton tại bang chiến trường với ông Trump và cuối cùng vị tỷ phú New York đã giành chiến thắng với tỷ lệ sít sao.
Nay lại nếm trái đắng
Năm nay, tháng 10 có thể sẽ không còn ngọt ngào với ông Trump như năm 2016.
Trên đường đua vào Nhà Trắng 2020, giới quan sát chính trị Mỹ cho rằng, ban đầu ông Trump có lẽ định tự tạo một số “bất ngờ tháng 10” với ý nghĩa tích cực cho chính mình, đáng chú ý là thúc đẩy để tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 3 với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Đầu tháng 7 vừa rồi, cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông John Bolton từng bỏ ngỏ: Trong trường hợp Tổng thống Mỹ gặp rắc rối nghiêm trọng, một cuộc gặp với “người bạn” Kim Jong Un có thể lật ngược tình hình.
Triển vọng về một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thứ 3 giữa hai lãnh đạo một lần nữa được thổi bùng ngay đầu tháng này khi giới chức từ Seoul và Washington nhấn mạnh việc cần phải nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington hy vọng sẽ nối lại đàm phán nghiêm túc với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân toàn diện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, khả năng này gần như là con số 0. Thứ nhất vì ông Trump không thể rời khỏi đất nước ngay thời điểm trước bầu cử, đặc biệt khi ông vẫn còn đang nhiễm Covid-19. Thứ 2, phía Bình Nhưỡng cũng nhiều lần cực lực bác bỏ khả năng trên với lý do không muốn trở thành “công cụ chính trị”.
Ngay khi những toan tính chưa thành, ông Trump lại vướng ngay vào một bất ngờ là Covid-19.
Thông tin ông cùng phu nhân dính loại virus đang lây nhiễm cho hàng triệu người Mỹ và đã khiến cho hàng trăm nghìn người dân của nước này thiệt mạng - một cú sốc với toàn nước Mỹ và thế giới. Nó không chỉ khiến người dân Mỹ thêm hoài nghi với chính sách chống Covid-19 của chính quyền ông Trump mà còn là cơ hội vàng để đối thủ là ông Joe Biden tận dụng vươn lên.
Tưởng chừng việc ông mắc bệnh là chuyện trên trời rơi xuống nhưng thực chất nó lại là hậu quả của quan điểm lơ là, chủ quan với dịch bệnh mà Trump đã chọn ngay từ khi đại dịch nổ ra.
Hơn nữa, theo Bloomberg, khi tình hình chưa thể cải thiện, ông Trump lại khiến “bất ngờ này” thêm tệ hơn với những quyết định đột xuất khác do chính ông tạo ra như chấm dứt đàm phán cứu trợ vì dịch, làm chao đảo thị trường chứng khoán. Chỉ số Dow Jones (chỉ số trung bình, được dùng để đánh giá khu vực công nghiệp trên thị trường chứng khoán tại Mỹ”) đã sụt 600 điểm.
Theo CNN, động thái này còn là cú giáng mạnh vào những người đang mong chờ chính phủ rót thêm trợ cấp để cứu vớt nền kinh tế Mỹ qua khủng hoảng.
Theo giới truyền thông Mỹ, ông Trump có vẻ như đang tự chuốc thêm khó khăn khi liên tục có những động thái gây tranh cãi như yêu cầu nhân viên đưa ông về Văn phòng tại Nhà Trắng dù đang mắc Covid-19 hay liên tục cập nhật những thông tin không chính xác về bệnh dịch trên mạng xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận