Biến động nhân sự sau đổi chủ
Theo văn bản ngày 16/4, ông Nguyễn Thành Tô, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối cân đối và kinh doanh nguồn vốn của PGBank (PGB) đã nộp đơn đề nghị nghỉ việc từ ngày 21/5.
Ông Tô muốn chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với "lý do cá nhân". Được biết, ông Tô đã làm việc tại ngân hàng này 14 năm 10 tháng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Lâm, thành viên HĐQT độc lập, cũng viết đơn xin từ nhiệm vì lý do công việc cá nhân.
Đáng chú ý, hai nhân sự cấp cao của PGBank đã cùng nộp đơn từ nhiệm ngay trước thềm đại hội đồng cổ đồng năm 2024 sắp diễn ra ngày 20/4 tới tại Ninh Bình.
Kể từ khi cổ đông lớn Petrolimex thoái vốn và đổi tên Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank), PGB đã liên tục có sự thay đổi tại "thượng tầng".
Mới đây, ngày 10/4, HĐQT PGBank đã miễn nhiệm chức danh người phụ trách quản trị ngân hàng đối với bà Nguyễn Thị Hoa.
Nhân sự thay bà Hoa là Phó chánh văn phòng HĐQT Nguyễn Thị Minh Thư. Bà Nguyễn Thị Hoa được điều chuyển sang làm cố vấn ban tổng giám đốc tại một quyết định khác, có hiệu lực từ 11/4.
Vào tháng 3/2024, PGBank cũng bổ nhiệm 3 Phó tổng giám đốc mới với thời hạn tối đa 3 năm.
Theo đó, ông Trần Văn Luân, Giám đốc Chi nhánh Đông Đô sẽ giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực. Ông Lê Văn Phó, Giám đốc Chi nhánh Hải Dương sẽ đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc. Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Chiến, Giám đốc Vùng phụ trách khu vực Miền Nam cũng giữ vị trí Phó tổng giám đốc của PGBank.
Như vậy, sau khi bổ nhiệm thêm ba Phó tổng giám đốc mới, Ban Điều hành của PGBank sẽ bao gồm 6 thành viên, với bà Đinh Thị Huyền Thanh là Tổng giám đốc.
Lợi nhuận giảm 30%, nợ xấu tăng 21,47%
Cùng ngày 16/4, PGBank cũng đã thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần thứ 25 với vốn điều lệ cập nhật là 4.200 tỷ đồng.
Trước đó, PG Bank đã phát hành 120 triệu cổ phiếu thưởng nhằm nâng vốn lên mức 4.200 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2023, PGB thu về lợi nhuận sau thuế gần 280 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2022.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PGBank đạt 55.495 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng tăng tới 21,6%. Dư nợ xấu của ngân hàng ghi nhận 905 tỷ đồng, tăng 21,47% so với cuối năm 2022.
Trong năm nay, PGBank dự kiến tổng tài sản đến ngày 31/12/2024 đạt 63.503 tỷ đồng, tăng 14%. Tổng huy động đạt 56.530 tỷ đồng, tăng gần 14%, trong đó huy động vốn thị trường 1 đạt 41.230 tỷ đồng, tăng hơn 15%. Dư nợ tín dụng đạt 40.476 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2023 (tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của PGBank được NHNN giao).
Ngoài ra, ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, tăng 58% so với kết quả 2023.
Đặc biệt, HĐQT PGBank dự kiến chào bán cho cổ đông tối đa 80 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 4:21 (cổ đông sở hữu 21 cổ phiếu sẽ được mua 4 cổ phiếu mới).
Nguồn vốn 800 tỷ đồng thu từ phát hành cổ phiếu sẽ được ngân hàng phân bổ cho các hoạt động gồm: Cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn (200 tỷ đồng) và trung-dài hạn của khách hàng (305 tỷ đồng); Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi ngân hàng (230 tỷ đồng) và Bổ sung nguồn vốn để mua sắm tài sản cố định (65 tỷ đồng).
Thời gian hoàn thành tăng vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng dự kiến trong năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận