Y tế

Phát hiện hơn 7.000 ca sốt xuất huyết ở An Giang

12/07/2022, 16:20

Cử tri tỉnh An Giang chất vấn Sở Y tế về nguyên nhân tình trạng khan hiếm thuốc và dịch sốt xuất huyết tăng cao trên địa bàn.

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 vào chiều 12/7, đại biểu tỉnh An Giang đã có chất vấn đối với Sở Y tế một số vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu thuốc điều trị và dịch sốt xuất huyết diễn ra trên địa bàn.

img

Lực lượng y tế phun thuốc khử trùng, diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh T.T

Theo cử tri, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc sốt xuất huyết của địa phương tăng cao. Cử tri đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân và giải pháp để khống chế, giảm tối đa ca nhiễm.

Qua phản ánh, của cử tri, cơ sở y tế, tình trạng thiếu thuốc trong điều trị cho người bệnh nhất là người bệnh tham gia bảo hiểm y tế phải hẹn nhiều lần mới có thuốc hoặc cho toa ra ngoài mua.

“Đề nghị Giám đốc Sở cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của ngành trong việc thiếu thuốc ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh”, cử tri chất vấn.

Trả lời cử tri, ông Phan Vân Điền Phương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, tính đến ngày 3/7, trên địa bàn có 7.055 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 459% so với cùng kỳ.

Có 10/11 huyện thị có số ca mắc tăng, trong đó 6/11 huyện tăng trên 9 lần gồm: Châu Phú (tăng 13,4 lần), Phú Tân (tăng 9,8 lần), Tân Châu (tăng 14,7 lần), An Phú (tăng 15,2 lần), Tịnh Biên (tăng 12 lần), Thoại Sơn (tăng 11,3 lần). Hiện chưa ghi nhận ca tử vong.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang, nguyên nhân tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn còn ở mức cao là do nhân lực tham gia phòng chống dịch chủ quan cho đây là bệnh lưu hành hàng năm nên chưa có tính khẩn trương, quyết liệt trong chỉ đạo, giám sát, kiểm tra xử lý ổ dịch xảy ra tại địa phương.

Cạnh đó, chưa quan tâm tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng tại hộ gia đình.

Kế đó là sau dịch Covid-19, người dân lo làm ăn, kiếm sống, họ chưa quan tâm đến vấn đề diệt muỗi, diệt lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh quanh nhà. Do đó, tạo môi trường cho muỗi phát triển đẻ trứng, cho lăng quăng phát triển. Bản thân không phòng hộ về phòng chống muỗi đốt.

Sự trỗi dậy của týp vi rút DEN-1 và DEN-2 làm cho số ca mắc gia tăng nhanh và ca bệnh nặng cũng tăng và thời tiết khí hậu nóng ẩm kéo dài cũng tạo điều kiện cho muỗi vằn phát triển mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc tăng cao.

Nói về giải pháp, ông Phương cho biết, ngành y tế sẽ tiến hành xử lý ổ dịch quy mô bán kính 200m (tâm là ca bệnh), diệt lăng quăng. Chủ động, tổ chức nhiều đợt chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường tại các khóm ấp, xã, phường, nhất là các địa phương có nguy cơ cao.

Về vấn đề thiếu thuốc, lãnh đạo Sở Y tế cho hay việc mua sắm thuốc hiện đang gặp khó khăn do gói thầu mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương vẫn còn hiệu lực đến tháng 4/2023.

Theo báo cáo của các cơ sở y tế, tình trạng thiếu một số thuốc điều trị cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế là do có một số thuốc đã hết số đăng ký lưu hành nhưng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chưa cấp lại số đăng ký lưu hành hoặc gia hạn số đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.

Nguyên nhân tiếp theo là các đơn vị trúng thầu chậm trễ trong việc cung ứng các loại thuốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Từ tháng 2/2022 đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, lượng bệnh điều trị nội, ngoại trú có tăng, nguồn thu nhập của các đơn vị được cải thiện, từ đó có thể chi trả công nợ tiền thuốc đúng thời hạn nên các công ty đã cung ứng kịp thời cho đơn vị”, lãnh đạo Sở Y tế thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.