Nhiều tồn tại trong phát triển đô thị
Phát biểu đề dẫn chương trình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới, hệ thống đô thị Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng. Đến nay, cả nước có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đều. Tỉ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn tăng từ 30,5 % (2010) lên 40,5% (2021).
Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam
Đồng thời, không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ, hiện đại. Chất lượng cuộc sống của cư dân được cải thiện. Hệ thống cơ chế chính sách về quy hoạch, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ. Quá trình phát triển đô thị đã hoà nhịp cùng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12 – 15%, gấp 1,5 – 2 lần so với bình quân chung hàng năm đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hình thành nhiều đô thị văn minh, hiện đại nhất là những trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đây là những tiền đề quan trọng, cơ sở, nền tảng để triển khai các nhiệm vụ đô thị trong thời gian tới.
Dù vậy, phát triển đô thị hiện nay còn nhiều tồn tại, hạn chế: Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỉ lệ đô thị còn thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều. Chất lượng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, năng lực quản lý. Việc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Tình trạng chung của các đô thị lớn trên toàn quốc là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi trời mưa, ô nhiễm môi trường, tỉ lệ đất giao thông, cây xanh còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu.
4 nhiệm vụ cần thực hiện để phát triển đô thị bền vững
Phát biểu tại diễn đàn ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như: Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế...
Từ xác định nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra nhiều nội dung nhằm hiện thực hoá phát triển bền vững đô thị. Đáng chú ý là 4 nhiệm vụ. Cụ thể:
Tập trung hình thành khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa. Trọng tâm là xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, tạo nền tảng và tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý phát triển đô thị;
Xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an ninh, an sinh, an toàn đô thị, phát triển đô thị bền vững, phù hợp đặc thù vùng miền, văn hóa, phát triển đô thị xanh, thông minh, thíc ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải… xây dựng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị, sửa đổi quy định phân loại đô thị;
Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng như kết cầu hạ tầng liên vùng, công tác quy hoạch, sử dụng đất theo các không gian kinh tế;
Hình thành các chính sách khả thi và hiệu quả hơn để đảm bảo nguồn lực cho các mục tiêu an sinh xã hội, nhà ở xã hội, cải tạo, tái thiết đô thị và cải tạo chỉnh trang đô thị...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận