BV Phụ sản TƯ vừa can thiệp thành công cho bệnh nhi bị dị dạng bộ phận sinh dục |
Ngày 4/11, PGS.TS Vũ Bá Quyết, GĐ BV Phụ sản TƯ cho biết, ngày 3/11 các bác sĩ đã phẫu thuật cho một trường hợp bệnh nhi bị dị dạng bộ phận sinh dục gây ứ máu kinh nguyệt. Bệnh nhân tên Phùng Thị O. (sinh năm 2004, dân tộc Nùng, ở Hữu Lũng, Lạng Sơn), bị dị tật hậu môn trực tràng âm đạo trực tràng bẩm sinh
Khi 9 tháng tuổi, bệnh nhi đã được các bác sĩ BV Nhi TƯ phẫu thuật để tránh dò phân lên trực tràng. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật bệnh nhi không tự chủ đại, tiểu tiện. Từ đó đến nay, cuộc sống của cháu O. gắn chặt với khố bỉm bởi chỉ cần đi vệ sinh không đúng giờ, hoặc ho một tiếng là chất thải có thể từ ra ngoài. Mặc dù bệnh tật gắn liền, nhưng bé O. luôn phấn đấu là học sinh giỏi trong nhiều năm qua.
Khoảng 5 tháng gần đây, bệnh nhi có biểu hiện đau bụng đều đặn 5-7 ngày hàng tháng. Khám ở tuyến dưới, bệnh nhi được chuyển thẳng BV Phụ sản TƯ vì có khuyết tật bẩm sinh. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ BV Phụ sản TƯ khám và xác định bệnh nhi đau bụng do ứ kinh vì dị tật bộ phận sinh dục.
Qua tư vấn cho gia đình bệnh nhân, phương án để chữa triệt để cho bệnh nhi được đưa ra là cắt toàn bộ tử cung, để bệnh nhi không còn kỳ kinh nguyệt nữa. Tuy nhiên, theo ý nguyện gia đình mong muốn giữ lại tử cung cho bệnh nhi để tương lai bệnh nhi còn có cơ hội làm mẹ.
Trước tình hình đó, các bác sĩ BV Phụ sản TƯ hội chẩn, quyết định phẫu thuật thông đường thoát kinh. Cuộc phẫu thuật do BS Quyết, giám đốc BV trực tiếp thực hiện phẫu thuật. “Chúng tôi đã tiến hành nội soi ổ bụng, để đánh giá xem có dị tật nào khác không, đồng thời tiến hành rạch một đường nhỏ và dẫn được 0,5 lít máu kinh ra ngoài. Cuộc phẫu thuật thành công”, PGS Quyết chia sẻ.
Theo PGS Quyết, khó khăn nhất trong ca phẫu thuật này là các bộ phận như buồng trứng, bàng quang sát nhau, nếu chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng rất nhiều bộ phận cơ thể khác. Còn trong trường hợp không phẫu thuật kịp thời, cháu bé sẽ rất đau đớn vì bị ứ máu kinh. Thậm chí, có nguy hiểm đến tính mạng nếu máu kinh tràn vào ổ bụng gây nhiễm khuẩn.
Để giải quyết cho tình trạng đại, tiểu tiện không kiểm soát của bệnh nhi, BV Phụ sản TƯ cũng đã hội chẩn với khoa Ngoại Nhi, BV Việt Đức, tuy nhiên, không thể can thiệp bởi cơ vòng hậu môn đứt. Hiện chỉ có thể làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhi tuy nhiên chi phí rất lớn. Trong khi đó, gia đình bệnh nhân là người dân tộc, kinh tế vô cùng khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận