Mới đây, bé trai N.N.S (13 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) được mẹ đến khám tại khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì hình dạng dương vật của trẻ dính vào da bìu và kích thước không phát triển so với các bạn cùng trang lứa.
Theo lời của mẹ bé S, khi con bé, gia đình cũng không quan tâm đến hình dáng dương vật của con vì nghĩ chưa dậy thì nên chưa phát triển. Tuy nhiên gần đây, cháu S bày tỏ sự lo lắng về hình dạng bất thường bộ phận sinh dục của mình nên được gia đình đưa đi khám.
Tại khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã chẩn đoán bé S có dương vật vùi vào da bìu và chỉ định mổ. Sau 1 giờ, ca phẫu thuật đã được các bác sĩ thực hiện thành công, trả lại hình dáng "súng ống" cho bé trai.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bé trai có dương vật vùi bẩm sinh
BSCK2. Nguyễn Văn Phúc, khoa Nam học, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Dương vật vùi là một bệnh ít gặp, do lớp mỡ ở dưới da xung quanh gốc dương vật dầy, dương vật như bị lún, bị tụt vào trong lớp mỡ đó. Trẻ sẽ thấy dương vật của mình ngắn và nhỏ hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Tuy đây không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng dương vật vùi bẩm sinh có thể gây ra các biến chứng về cơ quan sinh dục, tiết niệu, ảnh hưởng đến tâm lý trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu không điều trị sau này có thể ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục và sinh con”.
BS. Phúc cũng khuyến cáo, bố mẹ cũng có thể phát hiện bệnh khi thấy dương vật của con mình nhỏ hơn các bạn cùng độ tuổi; khi trẻ đi tiểu gặp khó khăn, trẻ quấy khóc, dẫy dụa. Hoặc khi tiểu tiện, bao quy đầu của trẻ phồng lên, tia nước tiểu yếu, ngắt quãng. Khi thấy các dấu hiệu bất thường bộ phận sinh dục của trẻ cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đến cơ sở nam khoa uy tín để được bác sĩ khám, tư vấn cũng như điều trị kịp thời, tránh hệ lụy ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe sinh sản sau này của trẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận