Quản lý

Phí đường dẫn vào sân bay sẽ được thu thế nào?

09/03/2020, 09:30

ACV đang đầu tư hệ thống kiểm soát cũng như xây dựng phương án thu giá dịch vụ đường dẫn và dịch vụ đậu lại đối với ô tô ra, vào nhà ga các CHK.

img
ACV sẽ phải lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian xe ô tô xong trước 31/3 cho tất cả các CHK có thu tiền. (Trong ảnh: Trạm thu tiền sử dụng sân, đường tại sân bay quốc tế Nội Bài)

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa chỉ đạo TCT Cảng hàng không VN (ACV) lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian xe ô tô ra vào sân bay hoàn tất trước ngày 31/3/2020 cho tất cả các cảng hàng không có thu tiền. Đồng thời không thu tiền với xe vào khu vực đón trả khách trong khoảng thời gian dự kiến 10 phút.

160 tỷ đồng đầu tư hệ thống kiểm soát thời gian xe ra vào sân bay

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đường dẫn vào nhà ga CHK là hạng mục công trình giao thông phục vụ khai thác nhà ga của các CHK. Hình thức sử dụng đất để xây dựng đường dẫn đã được quy định tại Điều 156 Luật đất đai và các quy định của pháp luật liên quan.

“Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đối với việc thu tiền dịch vụ đường dẫn vào nhà ga của các CHK, Bộ GTVT thống nhất tại các CHK đã lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian xe ô tô ra vào cảng thì không thu tiền đối với xe ra vào khu vực đón trả khách trong khoảng thời gian dự kiến là 10 phút”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, đồng thời yêu cầu ACV phải lắp đặt hệ thống kiểm soát thời gian xe ô tô xong trước ngày 31/3/2020 cho tất cả các CHK có thu tiền.

Cho biết ACV đang đầu tư hệ thống kiểm soát cũng như xây dựng phương án thu giá dịch vụ đường dẫn và dịch vụ đậu lại đối với ô tô ra, vào nhà ga các CHK, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt khẳng định: Dịch vụ đường dẫn và dịch vụ đậu lại đối với ô tô ra, vào nhà ga các CHK là dịch vụ phi hàng không, do doanh nghiệp CHK tổ chức thu tiền dịch vụ, quyết định mức thu và thực hiện niêm yết mức thu theo quy định, đồng thời thực hiện nộp thuế, nghĩa vụ ngân sách theo quy định.

“Nhằm phục vụ công tác kiểm soát xe ra vào các CHK đảm bảo an ninh, an toàn, phân luồng, phân tuyến và chỉ đạo của Bộ GTVT, trong năm 2019, ACV đã chủ động thực hiện đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát xe ra, vào nhà ga các CHK, sân bay do ACV quản lý với tổng mức đầu tư lên tới 160 tỷ đồng”, ông Phiệt nói và cho biết thêm: Tại 3 CHK Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, ACV đang tiến hành lắp đặt hệ thống kiểm soát thu giá dịch vụ không dừng và dự kiến hoàn thành để khai thác cuối tháng 4/2020.

Đối với 18 cảng còn lại, ACV mới hoàn tất công tác xây dựng, đang triển khai lắp đặt hệ thống tại 3 cảng. Còn 15 cảng mới chỉ dừng ở khâu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và nộp hồ sơ xin cấp phép thi công lên Cục Hàng không VN.

Cho biết hiện tại mới có 5/18 cảng đã được phê duyệt, số còn lại đang chờ Cục Hàng không VN “gật đầu” để thực hiện, ông Phiệt nhấn mạnh: ACV là doanh nghiệp nhà nước (95,4% vốn nhà nước), việc thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản phải tuân thủ đầy đủ tất cả các quy trình của Nhà nước về đấu thầu, xây dựng đồng thời phải được Cục hàng không cấp phép thi công trước khi thực hiện theo đúng quy định.

Đây cũng là lý do ACV xin lùi thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống kiểm soát xe ra, vào các CHK trước ngày 31/3/2020 như chỉ đạo của Bộ GTVT.

Đáng lưu ý, ông Phiệt cũng đề nghị Bộ GTVT làm việc, thống nhất với các Bộ Tài chính, TN&MT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hướng dẫn chi tiết đối với đất đai CHK nói chung và đất đường dẫn vào nhà ga CHK nói riêng để ACV có cơ sở thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

“Việc xác định rõ nghĩa vụ tài chính về đất đai ảnh hưởng rất lớn đến phương án xây dựng giá thu dịch vụ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người sử dụng”, ông Phiệt nhấn mạnh.

Thông tin thêm, ông Phiệt cho biết: Tại văn bản số 102 ngày 3/1/2020 của Bộ Tài chính cũng như văn bản 895 ngày 26/2/2020 của Bộ TN&MT, 2 Bộ này đều thống nhất “Trường hợp xác định đất sử dụng để xây dựng công trình có mục đích kinh doanh thì thực hiện theo hình thức nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất theo Điều 56 Luật Đất đai”.

Bộ GTVT trong văn bản số 3638 ngày 9/4/2018 cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khẳng định “đất sử dụng để xây dựng đường dẫn vào nhà ga các CHK là đất giao không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 156 Luật đất đai”.

Kiến nghị không thu hồi số tiền ACV thu phí trong giai đoạn 2012 - 2017

Về phương án xử lý đối với số tiền thu được từ dịch vụ đường dẫn vào các nhà ga hàng không mà ACV đã thu trong giai đoạn 2012 - 2017, Bộ Tài chính mới đây cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ không xử lý kinh tế đối với số tiền ACV đã thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách giai đoạn 2012 - 2017 do ACV đã thực hiện các nghĩa vụ ngân sách theo quy định.

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2012 - 2017, ACV đã hạch toán kế toán số tiền này, xuất hóa đơn, xác định doanh thu, chi phí, lợi nhuận, trích lập các quỹ của doanh nghiệp theo đúng hướng dẫn chế độ kế toán của Bộ Tài chính và đã nộp thuế, nghĩa vụ ngân sách theo đúng quy định.

Tại Kết luận số 2569/KL-TTCP ngày 12/10/2017 của Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV, Thanh tra Chính phủ cũng không kiến nghị xử lý về kinh tế đối với ACV đã thu tiền sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô con đưa đón trả khách.

Cần phải nói thêm, tại Kết luận số 2569/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ cho rằng, “21 chi nhánh CHK đang thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất. Tổng số tiền thu khoảng 59 tỷ đồng”.

Trong khi đó, theo Bộ GTVT, tổng doanh thu, chi phí, nghĩa vụ ngân sách đối với dịch vụ đường dẫn vào nhà ga 21 CHK đã được ACV thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2017 lên tới 1.024 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2012 - 2015 là 550,95 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần số công bố của Thanh tra Chính phủ.

Sau khi trừ các chi phí, chênh lệch doanh thu - chi phí (trước thuế) từ nguồn thu này là 133 tỷ đồng, ACV đã thực hiện nghĩa vụ ngân sách khoảng 57 tỷ đồng. Đối với lợi nhuận còn lại, ACV trích quỹ đầu tư phát triển giai đoạn từ năm 2012 - 31/3/2016 và đã được tính vào giá trị phần vốn nhà nước khi đơn vị này cổ phần hóa vào năm 2016.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.