Tuy nhiên, theo giới phân tích, những thương vụ đó không đơn thuần là bóng đá.
Dầu mỏ “tràn” ở châu Âu
Thương vụ Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman thôn tính CB Newcastle (Anh) là đề tài được chú ý nhiều nhất mùa Covid-19. Dù các bên vẫn còn một vài vướng mắc nhưng việc “Chích chòe” thuộc về tay Thái tử Salman gần như chỉ là chuyện một sớm một chiều. Được biết, để mua 80% cổ phần của Newcastle, ông Salman sẽ bỏ ra 300 triệu bảng Anh. Ông cũng tuyên bố chi 1 tỷ bảng Anh để biến Newcastle thành một thế lực lớn của bóng đá Anh.
Nếu mọi thứ suôn sẻ, Newcastle sẽ đi trên con đường Man City từng đi. Năm 2008, Phó thủ tướng Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Sheikh Mansour bỏ 300 triệu bảng Anh để mua Man City từ tay tỷ phú, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Sau hơn 10 năm gây dựng, “đốt” hơn 1 tỷ bảng Anh để chiêu mộ lực lượng, từ chỗ chỉ là đội bóng trung bình, Man City hiện đang nằm trong Top những CLB mạnh nhất Ngoại hạng Anh cũng như châu Âu.
Câu chuyện tương tự diễn ra ở Pháp, với CLB PSG vào năm 2011. Chủ tịch Quỹ Đầu tư thể thao Qatar kiêm Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông beIN Sport Nasser Al-Khelaifi mua lại PSG, đưa về hàng loạt ngôi sao và giúp đội chủ sân Công viên các Hoàng tử trở nên vô đối tại đất nước hình lục lăng.
Ngoài bộ ba trên, nhiều đội bóng châu Âu khác cũng đang nằm trong tay ông chủ tới từ Trung Đông nhưng kém thành công hơn. Có thể kể ra đây một vài cái tên như: Assem Allam (quốc tịch Ai Cập, Hull City), Nassef Sawiris (Ai Cập, Aston Villa), Farhad Moshiri (Iran, Everton), Hoàng tử Ả Rập Xê-út Abdullah (Sheffield United), Hoàng thân Qatar Sheikh Abdullah Al Thani (Malaga)…
Vậy, tại sao những ông chủ tới từ Trung Đông lại ưa thích việc sở hữu các đội bóng châu Âu?
Đầu tiên, phải thừa nhận, bóng đá châu Âu, cụ thể hơn là những giải đấu như: Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga… đều thuộc Top thương hiệu toàn cầu.
Theo tờ Medium, việc đầu tư vào các đội bóng như: Man City, PSG, Newcastle, Malaga cho thấy Sheikh Mansour, Mohammed bin Salman, Sheikh Abdullah hay Nasser Al-Khelaifi muốn phủ sóng tên tuổi của mình, mở rộng đế chế kinh doanh tại châu Âu. Sheikh Abdullah đã giành được dự án phát triển Cảng Marbella trị giá 550 triệu USD một năm sau khi mua lại Malaga; Sheikh Mansour nắm một loạt hạ tầng quan trọng ở Man City. Hay như beIN Sport trở thành nhà phân phối độc quyền gần như tất cả các giải đấu lớn ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ…
Giáo sư Simon Chadwick của Đại học Salford phân tích: “Sở hữu một CLB châu Âu đồng nghĩa họ có cơ hội giảm thiểu rủi ro bằng cách chuyển tài sản ra nước ngoài. Họ cũng sẽ có lợi nhuận tài chính, bởi mỗi CLB giống như một cỗ máy kiếm tiền. Bóng đá chuyên nghiệp xét về bản chất là tiền và tiền nên những doanh nhân Ả Rập vốn nhanh nhạy không thể bỏ qua cơ hội”.
Trong khi đó, Trưởng bộ phận Kinh doanh Thể thao của Tập đoàn Deloitte Dan Jones cho rằng, việc mua các đội bóng châu Âu, đặc biệt các đội bóng lớn đều có lãi và nó đủ sức hút với các nhà đầu tư. “Đó là chưa kể họ sẽ thúc đẩy được du lịch khi người hâm mộ tò mò về các quốc gia huyền bí ở Trung Đông”, Jones nói.
“Ban đầu họ sẽ mua CLB bóng đá, sau đó ký hợp đồng với một số cầu thủ giỏi và đắt nhất thế giới. Sau nữa, họ sử dụng CLB đó, các ngôi sao như là cầu nối để quảng bá đất nước họ, các doanh nghiệp hay định vị quốc gia của họ như là một điểm đến du lịch an toàn”, Tờ Asia & The Pacific bình luận.
Những toan tính phía sau
Luật sư Aymen Khoury, một nhà nghiên cứu Trung Đông tin rằng, các nhà đầu tư Trung Đông ném tiền vào bóng đá châu Âu không đơn thuần nhằm thu lợi nhuận từ bóng đá. “Các đội bóng như Man City, PSG chưa đạt được đến ngưỡng có thể thu lời nếu chưa thể tối ưu hóa cách vận hành. Khoản tiền đầu tư của họ lớn hơn rất nhiều so với doanh thu mỗi năm. Họ phải đối phó luật công bằng tài chính bằng các khoản tài trợ từ các tổ chức, công ty khác nhưng vẫn có kẽ hở. Đó là lý do tại sao Man City mới đây đã bị cấm tham dự Champions League”, luật sư Aymen Khoury phân tích.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á Salman Bin Ibrahim Al-Khalifa khi tranh cử ghế Chủ tịch FIFA hồi năm 2016 đã nhận được sự ủng hộ về mặt tài chính của nhiều tỷ phú dầu mỏ. Đáng tiếc ông Al-Khalifa chịu thất bại trước Gianni Infantino (Thụy Sỹ). Điều này một phần do bóng đá châu Á khi đặt cạnh bóng đá châu Âu quá lép vế, nó củng cố thêm quyết tâm đầu tư vào bóng đá châu Âu của các tỷ phú Ả Rập. Song song với việc thôn tính đội bóng châu Âu, những quốc gia vùng Vịnh đầu tư rất nhiều cho việc nâng tầm nền bóng đá. Học viện Qatar Aspire được thành lập, hoạt động theo chuẩn châu Âu, với các HLV giàu kinh nghiệm tới từ châu Âu nhằm mục đích tạo ra thế hệ tương lai xuất sắc cho bóng đá Qatar.
Nhà báo Javier Aldana của tờ Latin American Post
Cũng theo luật sư Aymen Khoury, những nhà tài phiệt Ả Rập nhắm đến mục tiêu khác khi đầu tư cho bóng đá. “Đây là thị trường có ảnh hưởng lớn nhất trong thể thao. Đổ tiền vào bóng đá là cách nhanh nhất khiến họ trở nên nổi tiếng, được biết đến trên toàn cầu. Họ sẽ có cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh cá nhân, thậm chí thương hiệu của quốc gia. Chính vì thế, trong tương lai tôi tin vẫn tiếp tục có nhà đầu tư từ Trung Đông tới châu Âu, trải dầu mỏ để đạt được mục đích”.
Cùng quan điểm, Giáo sư Simon Chadwick nói: “Các quốc gia Trung Đông đều nhỏ bé nhưng giàu có và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế không nhiều. Bởi vậy, họ thông qua bóng đá để mở rộng thương hiệu. Ngoài việc sở hữu đội bóng, hiện nhiều tập đoàn lớn cũng đang tài trợ cho các CLB hàng đầu châu Âu như: Barcelona (Qatar Airlines); Real Madrid, Paris St Germain, Arsenal, AC Milan (Fly Emirates) và Manchester City (Etihad)… Hay như việc Qatar tìm mọi cách để có được quyền đăng cai World Cup 2022 dù quốc gia này chưa bao giờ mạnh về bóng đá. Đương nhiên, trong dòng chảy dầu mỏ ở châu Âu, các quốc gia Trung Đông cũng cạnh tranh quyết liệt, nhiều khoản đầu tư được Nhà nước rót vào thông qua một số quỹ đầu tư”.
Cây bút Javier Aldana của tờ Latin American Post dự đoán, sau bóng đá châu Âu, những ông chủ người Ả Rập sẽ còn vươn tầm ảnh hưởng của mình ra các lục địa khác như: Mỹ La tinh, châu Á, châu Đại Đương. “Ông chủ Man City Sheikh Mansour hiện cũng đồng sở hữu hàng loạt đội bóng khác như: Girona FC (Tây Ban Nha), New York City (Mỹ), Melbourne City (Úc), Yokohama F. Marinos (Nhật Bản), Atletico Torque (Uruguay)… Rõ ràng, Sheikh Mansour có tham vọng cực lớn, muốn đưa Qatar thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc. Nhiều khả năng những nhà tài phiệt dầu mỏ khác cũng sẽ có bước đi tương tự”.
Chưa hết, theo Javier Aldana, bóng đá khu vực Trung Đông khao khát có bước phát triển mạnh mẽ nhưng không đủ thực lực, bất chấp họ có rất nhiều tiền. Việc đầu tư vào các đội bóng ở những nền bóng đá phát triển sẽ giúp ích nhiều cho việc học hỏi các mô hình bóng đá tiên tiến, công nghệ đào tạo trẻ. Xa hơn, những người Ả Rập muốn tiếng nói của mình trong làng túc cầu thế giới phải có trọng lượng. Muốn làm được như vậy, điều tiên quyết là trình độ phát triển cần ở mức cao cũng như tầm ảnh hưởng ở nhiều nền bóng đá khác nhau. Mua các đội bóng chính là bước đi đầu tiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận