Điện ảnh

Phim chiếu xong, biên kịch mệt mỏi đi đòi nợ

21/12/2015, 13:31

Trong giới sản xuất phim từ lâu nghề biên kịch được coi là nghề tạo ra danh vọng.

huynh tuan anh
Biên kịch HuỳnhTuấn Anh.

Trong giới sản xuất phim từ lâu nghề biên kịch được coi là nghề tạo ra danh vọng. Tuy nhiên, theo các nhà biên kịch, nghề này hữu danh mà vô thực. Để sống được với nghề, họ cũng phải “trầy vi tróc vảy”, đặc biệt phải đòi nợ từ năm này sang năm khác.

Tùy vào “máu mặt” của người viết

Tăng cường chiếu phim Việt, cùng với chủ trương xã hội hóa điện ảnh, truyền hình đã tạo nên cơn sốt kịch bản phim. Khi nhà nhà làm phim, đài đài làm phim, nghề viết kịch bản phim trở nên hot kèm theo nhiều mỹ từ như: Nghề hot, nghề hái ra tiền. Vì thế, lực lượng viết kịch bản phim đã tăng lên cấp số nhân và nhiều đến độ không thể liệt kê nổi.

Nhà biên kịch Huỳnh Tuấn Anh được nhiều người nhắc đến khi gắn liền với những thước phim Cổng mặt trời (bộ phim dành cho tuổi học trò ăn khách của màn ảnh truyền hình) tiết lộ cát xê kịch bản phim truyền hình được tính theo tập. Giá mặt bằng chung kịch bản phim truyền hình là 8 triệu đồng/tập.

Còn giá cát xê kịch bản phim điện ảnh có hai cách tính. Một là mua đứt bán đoạn thường khoảng 100 triệu đồng nhưng với biên kịch có tiếng sẽ gấp đôi. Cách thứ hai là hùn tiền kịch bản coi như phần trăm hùn vốn trên tổng đầu tư tiền sản xuất phim và sau đó chia trên lợi nhuận. Theo thông tin nhà biên kịch Huỳnh Tuấn Anh có được, kịch bản phim điện ảnh có giá cao nhất là 350 - 450 triệu.

Tiết lộ thu nhập về nghề của mình, Huỳnh Tuấn Anh nói: “Ngày xưa tôi nhận nhiều, giờ mỗi năm chỉ cố gắng làm hai phim là đủ sống. Vì nếu mỗi biên kịch tự viết (không viết nhóm) chỉ có thể làm tốt hai hoặc ba kịch bản. Giá kịch bản xứ mình bây giờ nói ra nhiều khi thấy qá rẻ rúng. Barem là barem nhưng tùy vào mặt biên kịch, tùy hãng và tùy vào “máu mặt” của người viết nên khó nói. Tôi chỉ biết mỗi tháng tôi chi tiêu 16 triệu, mỗi năm làm hai phim tôi đủ sống và dư một ít (cười)”.

Cơ cực khi đòi nợ

Tuy nhiên, theo biên kịch Huỳnh Tuấn Anh, nghề biên kịch đi bán những điều không có thực và chỉ nằm trên giấy nên rất cực nhọc và tiềm ẩn nhiều tai nạn. “Tôi thường nói ở Việt Nam có ba nghề gọi là siêu bán hàng: Bán bảo hiểm, xin tài trợ và bán kịch bản.

Trong đó, nghề bán kịch bản coi vậy mà cực nhất vì những thứ được làm ra chỉ là tưởng tượng”, Huỳnh Tuấn Anh than thở.Tác giả kịch bản phim Cổng mặt trời tiết lộ quy định chung, 5 - 6 tháng tiền tài trợ của nhà đài đổ về cho hãng phim. Tuy nhiên, hãng phim nào có tiềm lực thì trả hết cho anh em. Hãng nào không có tiềm lực thì “chôn tiền” không trả hết cho mọi người. Người biên kịch chịu chung dây chuyền với các diễn viên, đạo diễn…

Huỳnh Tuấn Anh cho biết, biên kịch nào ít thì cũng 1-2 lần bị quỵt tiền. Phim chiếu xong rồi mà đến 2, 3 năm sau nhiều biên kịch vẫn chưa đòi hết tiền. Có những biên kịch, thấy việc đi đòi nợ mệt mỏi, tổn thọ nên đành bỏ. Giữa năm vừa rồi không đòi được tiền kịch bản Huỳnh Tuấn Anh đã kiện một hãng phim ra tòa. Giờ đây vẫn còn hãng phim nợ anh 40 triệu.

“Trong TP HCM có 10 hãng phim, thì có khoảng ba hãng phim có khả năng hoàn tiền cho anh em làm phim, còn lại đều phải chịu hết. Tính một cục có vẻ rất nhiều tiền nhưng “để lâu cứt trâu hóa bùn” khi thu về từ năm này sang năm khác chẳng còn nhiều như thế”, nhà biên kịch cho biết.

Huỳnh Tuấn Anh còn tiết lộ: “Không hiểu sao tôi lại gặp nhiều tai nạn rất “chợ búa”, hai lần bị xã hội đen truy lùng vì tội thẳng miệng, vạ mồm. Năm 2013, tôi có hai kịch bản được chọn đi thi Liên hoan sân khấu trẻ toàn quốc 2013. Sau khi tham dự tôi thấy, có vở diễn đã dựng với tên của các đạo diễn nổi tiếng rồi đổi tên cho học trò đi thi.

Có những vở diễn phạm quy. Tôi đã đứng lên phanh phui sự việc. Những vở diễn tôi tố cáo bị rớt dù đã được cơ cấu giải ngay từ đầu. Sau đó, tôi nhận được tin nhắn hăm dọa khủng bố trong một tuần và phải báo công an”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.