Điện ảnh

Phim "Mai": Ngoài suất chiếu rạp dày đặc, Trấn Thành không đơn thuần "thùng rỗng kêu to"

12/02/2024, 14:27

Với lịch chiếu dày đặc gần như đầy ắp các rạp, phim "Mai" của Trấn Thành hứa hẹn một năm đại thắng so với những phim khác. Nhưng ngoài ưu thế về suất chiếu rạp, phim "Mai" còn có gì để khiến khán giả phải bỏ tiền mua vé xem phim?

Những chiêu trò quen thuộc nhưng vẫn hiệu quả

Trước mùa phim Tết cách đây một vài tháng, khi đi xem các rạp chiếu phim thuộc hệ thống CGV ở Sài Gòn, khán giả đã thấy phim "Mai" được quảng cáo rầm rộ trước mỗi suất chiếu các phim. Đồng thời trước Tết, việc bị xử phạt về hành vi vi phạm quảng cáo trên xe bus với một số tiền nhỏ không đáng kể, cũng góp phần làm cho bộ phim nóng lên trên dư luận công chúng.

Phim Tết Mai: Ngoài suất chiếu rạp dày đặc, Trấn Thành không đơn thuần

Poster phim "Mai" trước khi chính thức ra rạp đã có nhiều ngày chiếu ra mắt sớm.

Đó là chưa kể đến loạt bài quảng bá trên truyền thông khéo léo như nhiều bộ phim khác của Trấn Thành, từ chuyện phục dựng chung cư đến chuyện hóa trang Trấn Thành vào vai người cha hơn 60 tuổi như thế nào, từ chuyện đầu tư 300 bộ trang phục cho phim Mai đến chuyện Trấn Thành khẳng định đây là bộ phim mà anh đầu tư nhiều nhất từ trước đến nay, kể cả công sức và tiền bạc với kinh phí làm phim xấp xỉ 50 tỷ đồng, chuẩn bị trong ba năm…

Và như thường lệ, phim nào của Trấn Thành trong vài năm trở lại đây cũng trở thành chủ đề tranh cãi giữa anti-fan và fan của anh, nhưng vẫn thu về những doanh thu kỷ lục.

Trấn Thành chọn một kịch bản kết hợp giữa anh và biên kịch Bình Bồng Bột cùng chấp bút. Nội dung kịch bản là thế mạnh và cũng là đề tài quen thuộc trong phim Trấn Thành, đó là những câu chuyện tình cảm tâm lý xã hội kèm theo yếu tố gia đình. Với phim Tết, đó là một chủ đề không mới lạ nhưng khán giả luôn cảm thấy gần gũi, quen thuộc.

Lần này Trấn Thành chọn nhân vật chính là một phụ nữ lỡ thời 37 tuổi. Cô Mai (Phương Anh Đào đóng) là một cô gái làm nghề massage, sống ở một chung cư cũ và chịu nhiều sự dè bỉu, dị nghị của hàng xóm với những cái nhìn không thân thiện về nghề của cô. Ở nơi làm việc cô cũng bị ghen tị, nói xấu.

Dương (Tuấn Trần đóng) là một nhạc công con nhà giàu có, kém cô nhiều tuổi và có thiện cảm với cô, dần dần tình cảm ấy biến thành tình yêu và anh bắt đầu theo đuổi Mai. Câu chuyện tiếp theo mở ra với nhiều tình tiết bất ngờ.

Sự lên tay nghề của cả đạo diễn và diễn viên

Phim "Mai" được Trấn Thành đầu tư không chỉ tiền bạc, mà qua đó cũng cho thấy sau loạt phim vừa qua, bản thân anh đã tích lũy được những kinh nghiệm để có một bộ phim "Mai" lên tay hơn hẳn so với những phim trước đó.

Phim Tết Mai: Ngoài suất chiếu rạp dày đặc, Trấn Thành không đơn thuần

Ê-kíp phim "Mai" tại rạp.

Thay vì một bộ phim đơn thuần giải trí, phim "Mai" có những tình tiết khiến cho khán giả cảm thấy xúc động vì rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Không chỉ là câu chuyện tình yêu quen thuộc theo mô típ giàu – nghèo, lệch tuổi, mà phim "Mai" còn đề cập đến quan hệ gia đình giữa cha mẹ với con cái, lối sống soi mói, thích phán xét, đặt điều của một bộ phận người Việt, sự ghen tị, tranh giành nhau ở nơi làm việc, tệ nạn cá độ…

Bộ phim "Mai" đã tiết chế được khá nhiều những đối thoại sáo rỗng và những đạo lý dài lê thê đặt vào miệng nhân vật. Dĩ nhiên vẫn có những cảnh ồn ào, khóc lóc kiểu rất kịch, song so với những phim trước đây của Trấn Thành, bộ phim "Mai" đã tập trung nhiều vào những khuôn hình, mang tính chất điện ảnh đậm hơn, không mang tính kịch kiểu như hài kịch "Trong nhà ngoài phố" một thời của Đài Truyền hình TP.HCM.

Trấn Thành xây dựng nhiều cảnh tương phản đặt cạnh nhau với hai khung cảnh chính là chung cư và spa nơi Mai làm việc. Ở đó những đối thoại, những mảnh đời vụn vặt hiện ra, đậm chất cuộc sống nơi đô thị, khiến cho khán giả có thêm những góc nhìn theo kiểu "những người sống quanh tôi".

Khung cảnh chung cư cũ có những góc quay ấn tượng nhưng tạo sự gần gũi cho khán giả, chẳng hạn như cảnh Mai và Dương sóng vai nhau đi trong bãi giữ xe máy.

Theo thông tin riêng, khi bộ phim "Mai" được đưa đi duyệt ở Cục Điện ảnh, một thành viên giấu tên của Hội đồng duyệt phim đã nhận xét: "Đây là phim tốt nhất của Trấn Thành từ trước đến giờ và phim sẽ thắng lớn Tết này. Bản thân tôi rất thích kết thúc của bộ phim, một kết thúc nhân văn".

Vẫn sử dụng một kịch bản không mới, phảng phất bóng dáng một số bộ phim Hàn Quốc về mô típ một chàng trai trẻ giàu có, lãng mạn yêu một cô gái lỡ thời, rồi cũng có sự xuất hiện của bà mẹ chàng trai với dáng vẻ sang trọng, quý phái nhưng thâm sâu, khó lường, vẫn mô típ ông bố nợ nần, ham mê cá độ, bộ phim "Mai" được dàn diễn viên gánh đỡ cho kịch bản rất nhiều.

Phương Anh Đào nhập vai rất xuất sắc, diễn tả được bi kịch của một cô gái tự ti về bản thân nhưng luôn khao khát tình yêu, rồi có tình yêu thì lại không dám bước đến đón nhận. Bóng tối và ánh sáng của khu chung cư đan xen trên mỗi bước cô đi hay trên nét mặt của cô, diễn tả sự khắc khoải nội tâm. Nhưng về sau, Phương Anh Đào bắt nhịp với sự chuyển biến tâm lý của nhân vật, thể hiện nói nhiều hơn, tự tin hơn.

Phim Tết Mai: Ngoài suất chiếu rạp dày đặc, Trấn Thành không đơn thuần

Đạo diễn Trấn Thành cùng các diễn viên và ê-kíp trong phim "Mai".

Trong khi đó Tuấn Trần diễn xuất cũng tốt hơn so với những phim trước đó của anh, nhập vai một công tử nhà giàu, có phần lãng mạn, phất phơ, nhưng tốt bụng, chân thành, dám yêu, dám sống.

Dàn diễn viên phụ đều có thực lực và đều là những ngôi sao kỳ cựu, như nghệ sĩ Hồng Đào vào vai bà mẹ giàu có của Dương, NSND Việt Anh trong vai ông bảo vệ Spa, hay NSND Ngọc Giàu, "bà ngoại quốc dân" của khán giả Việt Nam lần này vào vai Má Mi, đều thu được thiện cảm của khán giả không hẳn là nhờ diễn xuất trong phim này mà nhờ vào danh tiếng có sẵn trước đó.

Bộ phim cũng chọn được màu sắc phù hợp ở nhiều khung cảnh, chủ yếu là màu tối, trầm, ăn khớp với nội tâm trăn trở của nhân vật. Nhiều khuôn hình được trau chuốt kỹ lưỡng. Cú máy dài mở đầu phim theo chân nhân vật "Mai" gây được cảm xúc tốt cho khán giả ngay từ đầu.

Góc máy quay trong phim khá đa dạng, từ đặc tả, cận cảnh đến quay từ trên cao xuống, từ dưới lên. Đạo diễn hình ảnh cho phim "Mai" là Diệp Thế Vinh thể hiện một tay nghề vững, dẫu rằng nhiều hình ảnh vẫn còn mang tính biểu tượng quá rõ ràng, thiếu tinh tế, kiểu như chung cư cũ nhìn chật chội, xô bồ, nhưng vẫn có những góc máy cho thấy những vệt nắng sáng, gợi đến những ước vọng. Nhịp phim cũng vừa phải, ít bị lệch nhịp như một số phim khác mà Trấn Thành từng tham gia.

Những sự tham lam dồn ghép làm phim "Mai" kém phần thuyết phục

Bộ phim "Mai" không chỉ gợi nhớ đến những mô típ quen thuộc trong một số phim Hàn Quốc, mà còn khiến khán giả mê phim nhớ đến series phim "Call me Chihiro" của Nhật Bản chiếu năm 2023, với kiểu nhân vật làm nghề nhạy cảm, bị kỳ thị, song vẫn khát khao được sống hạnh phúc. Và dĩ nhiên khán giả sẽ dễ có liên tưởng so sánh.

Riêng Trấn Thành thì ngoài việc học hỏi mô típ, anh còn tham lam dồn ghép nhiều chủ đề vào phim "Mai" đến mức không cần thiết, thành ra bộ phim mang đến quá nhiều thông điệp, làm cho phim vừa rối rắm lại vừa loãng. Nếu như chỉ tập trung vào mối tình chị em giữa Mai và Dương cùng với hoàn cảnh giàu nghèo, tiết chế lại những ồn ào nơi chung cư hay spa thì mạch phim sẽ chặt chẽ hơn.

Một số cảnh quay lấy cảm hứng từ những phim nổi tiếng của thế giới, nhưng chưa thật sự làm mãn nhãn người xem, thậm chí còn khá vụng về.

Phim Tết Mai: Ngoài suất chiếu rạp dày đặc, Trấn Thành không đơn thuần

Đoàn phim "Mai" ra mắt.

Chẳng hạn như cảnh Mai và Dương bước bên nhau trong bóng tối đan xen ánh sáng ở chung cư lấy cảm hứng từ bộ phim "Tâm trạng khi yêu" của Vương Gia Vệ.

Cảnh Mai và Dương khiêu vũ với âm nhạc gợi nhớ bộ phim "La La Land" của Mỹ.

Một số cảnh quay trong phòng chung cư gợi nhớ đến bộ phim đình đám "Ký sinh trùng" (Parasite) của Hàn Quốc…

Một số lời thoại và cảnh quay hành động của nhân vật gợi nhớ đến phim của Châu Tinh Trì chẳng hạn như những lời thoại: "Anh muốn làm bạn trai em", "Vì sao anh thích em?"...

KOL chuyên phê bình điện ảnh Lê Minh Mẫn (Robbey) nhận xét: "Trấn Thành luôn muốn chứng tỏ bản thân đang làm nghệ thuật, chứ không đơn thuần là một trường hợp thùng rỗng kêu to. Thế nên, cứ nhắm nhắm tác phẩm nghệ thuật nào của thế giới được đại chúng đón nhận, Trấn Thành sẽ cố bê những đặc sắc của thiên hạ vào phim mình - hiệu quả hay không tính sau".

Dù đã tiết chế nhưng phim "Mai" vẫn còn những phân đoạn cãi vã, chửi thề, giống như web drama, làm giảm chất lượng phim.

Thời lượng phim đến 130 phút cũng hơi dài, có thể cắt bỏ một số cảnh thừa mà không làm ảnh hưởng đến tác phẩm, chẳng hạn như những cảnh nóng hay mang hơi hướng kinh dị, giật gân. Phần kết thúc phim còn đơn giản, dễ dãi, thiếu thuyết phục và khiến khán giả hơi hẫng hụt tâm lý sau khi đã chứng kiến quá nhiều tình tiết ở đầu và giữa phim.

Câu chuyện tình của Mai và Dương không mới, nhưng phim "Mai" vẫn đang hứa hẹn lập kỷ lục mới về doanh thu phim Việt.

Tất nhiên ngoài yếu tố phủ dày đặc các suất chiếu, sự lên tay của đạo diễn Trấn Thành và diễn xuất tốt của cả dàn diễn viên chính và phụ, phải nói đến thị hiếu của khán giả Việt, đặc biệt là khán giả bình dân về dòng phim tâm lý tình cảm xã hội cũng như cảm quan khi khán giả chứng kiến những mảnh đời trên phim.

Câu chuyện của hai nhân vật chính trong phim là một câu chuyện đủ sức kéo đông đảo khán giả bình dân đến rạp với đủ các yếu tố éo le, hấp dẫn, kèm theo chút hài hước, đạo lý với những cảnh đời tả thực.

Phim "Mai" do Trấn Thành làm đạo diễn.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.