Xã hội

Phình 28 đơn vị thuộc bộ, tăng 748 lãnh đạo cấp vụ

09/08/2017, 07:52

Đó là những thông tin được nêu trong dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật...

7

Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính làm việc với Hải Dương tháng 3/2017

Bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian

Theo báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016, còn nhiều bất cập, hạn chế như việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ dù đã được thực hiện theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn chậm được nghiên cứu để tiếp tục đổi mới, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn nữa. Việc xác định phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách của Bộ còn có điểm chưa hợp lý, nhiều lĩnh vực còn giao thoa, có ý kiến khác nhau; còn nhiều trường hợp một lĩnh vực được giao cho từ 2 đến 3 bộ phụ trách.

Theo báo cáo, số đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng trong bộ là rất lớn, gồm 198 đơn vị/22 bộ, cơ quan ngang bộ; Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều Bộ. Đặc biệt, còn có sự mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu. Cụ thể, so sánh thời điểm 2011 với tháng 12/2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556. Tương tự ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619.

Theo đoàn giám sát, chính cơ chế “chủ trì, phối hợp” đã dẫn đến hình thành nhiều tổ chức phối hợp liên ngành và tình trạng chưa rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các cơ quan, hội họp nhiều, thiếu lãnh đạo đi họp... Ngoài ra, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên, chủ yếu vẫn theo mô hình truyền thống gồm tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc có nhiều tổ chức bên trong bộ có thể dẫn đến tình trạng “Bộ trong Bộ”, các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, thiếu tính bao quát chung; tổ chức bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, đơn vị nào cũng phải duy trì bộ phận văn phòng, hành chính, do đó, số nhân lực cũng như kinh phí chi cho công tác quản trị tăng lên, trong khi nguồn lực của cơ quan lại phân tán, thiếu tập trung, không được sử dụng và phát huy được hiệu quả tối đa... 

Trong 5 năm (2011-2016), số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc cấp tổng cục tăng 822 đơn vị.

Dẫn chứng thực trạng còn nhiều tầng nấc trung gian, đoàn giám sát chỉ ra “quy trình” làm việc khiến mất nhiều thời gian khi chỉ một chỉ đạo của bộ trưởng để xuống đến người trực tiếp thực hiện có khi cũng phải trải qua nhiều tầng nấc. Hay với một nội dung chuyên môn do chuyên viên xử lý để được báo cáo lên bộ trưởng thường phải trải qua 7 bước mới tới bộ trưởng xử lý, ký văn bản.

Hơn 140 nghìn hợp đồng lao động làm việc... chuyên môn

Đề cập đến công tác quản lý và tinh giản biên chế, Đoàn giám sát nhận định, do thẩm quyền quản lý biên chế được giao cho nhiều cơ quan nên dẫn đến sự thiếu thống nhất, thiếu tập trung. Cùng với đó, việc thực hiện quy định về quản lý biên chế ở nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm khi số lượng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương tăng nhanh; tình trạng sử dụng lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn không đúng quy định tại các bộ, ngành, địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến. Thống kê của đoàn giám sát tính đến 30/11/2016 cho thấy, có 144.914 hợp đồng lao động nhưng lại làm việc chuyên môn.

Đoàn giám sát cũng đánh giá, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra. Tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong 2 năm (2015-2016) thực hiện Nghị quyết 39 là 17.694 người. Ngoài ra, việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc và chưa mang lại nhiều kết quả.

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề đặt ra, Đoàn giám sát đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các Bộ, ngành, địa phương.

Theo đoàn giám sát, nên thực hiện nguyên tắc: Một cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Cùng với đó, những việc Nhà nước đang làm mà doanh nghiệp, xã hội làm được thì Nhà nước chuyển giao. Từ đó tổ chức lại bộ máy gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, rõ ràng về chức năng, quyền hạn và trách nhiệm. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.