Sau hơn 1 thập kỷ “Đối thoại”, nghệ sĩ piano Phó An My chuyển sang “Độc thoại” |
12 năm qua, Phó An My đã tạo cho mình “một đế chế riêng” khi chị kết hợp nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đương đại. Ngày 1/12 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Phó An My chính thức chuyển mình sang một con đường mới mang tên “Độc thoại”.
Độc hành với âm nhạc miền núi
Độc hành là show diễn mở đầu cho một vòng sáng tạo mới mang tên Độc thoại của “ngón dương cầm bão tố” Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên. Độc thoại được mô tả là “sẽ là con đường đi cuối cùng và sẽ tiếp tục đào sâu trong suốt thời gian còn lại” của hai nghệ sĩ. Nếu Đối thoại mang tới những khoảnh khắc trò chuyện thú vị giữa piano với tuồng, chầu văn, chèo… thì Độc thoại sẽ là những phút giây thăng hoa của nghệ thuật độc tấu và hòa tấu nhạc cụ từ âm nhạc cổ truyền, được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc thính phòng giao hưởng đương đại.
Lấy tên Độc hành để mở đầu vì theo Phó An My, chị nhớ tới những chuyến đi “độc hành” lên miền núi, cứ thênh thang một mình trên con đường. Cũng bởi thế, âm nhạc trong Độc hành được mô phỏng như những khoảnh khắc tự ngẫm, tự cảm, tự vấn của người nghệ sĩ bám sâu, bám chắc vào mảnh đất văn hóa cội nguồn. Đó là những tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, được sáng tạo dựa trên đời sống, văn hóa và âm nhạc dân gian của đồng bào Tày, Nùng vùng núi Đông Bắc. Nữ nghệ sĩ lý giải, sau Festival Huế năm 2011, chị rất ấn tượng với giọng hát của một nghệ nhân người Tày. Lập tức, chị vạch ra ý tưởng chọn âm nhạc miền núi để mở đầu với nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên.
Độc hành sẽ không phải vở diễn mà được đào sâu để trở thành một buổi hòa nhạc đúng nghĩa. “Khi có nghệ nhân biểu diễn cùng mọi người sẽ xem ca nhạc, còn một buổi hòa nhạc thì mọi người sẽ nghe nhiều hơn. Trong quá trình tập những tác phẩm mới của Đặng Tuệ Nguyên, tôi có lòng tin rằng, sản phẩm mới sẽ chinh phục được khán giả”, Phó An My bộc bạch.
Bước chuyển mới với Độc thoại
Đặng Tuệ Nguyên tin tưởng, Độc thoại là sự phát triển về mặt tư duy, biến chuyển bản thân của anh và Phó An My. Đây cũng là công trình mang tính logic, đúc kết từ những cuộc Đối thoại để tạo ra hình ảnh của bản thân. Cả hai luôn muốn hướng đến hơi thở âm nhạc dân gian truyền thống, đưa được tiếng nói cá nhân của mình.
"Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên khá kiên trì trong con đường độc đáo của mình. Vòng sáng tạo “Đối thoại” với các giá trị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chầu văn và chèo đều thành công, đáng trân trọng và khích lệ. Cả hai đã tạo ra được một sự sẻ chia sâu sắc với các giá trị sân khấu kinh điển, chặng đường mới cũng không ra khỏi cái nôi của cảm hứng âm nhạc truyền thống. Cả hai lại có phong cách trình diễn ngẫu hứng và máu lửa, đầy chất hoang dã đáng quý trong thời điểm hiện nay”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương |
Thực tế, ngay từ khi bắt đầu làm Đối thoại, Phó An My đã lên ý tưởng cho một chặng đường dài của âm nhạc mình theo đuổi. Chị tin rằng, Độc thoại là một bước tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật của mình. Theo chị, không chỉ người nước ngoài mà cả người Việt đều luôn thắc mắc “Linh hồn âm nhạc Việt nằm ở đâu?”, chị mong muốn cho mọi người thấy, linh hồn chính là ở âm nhạc dân gian. Khi làm Đối thoại, chị sẽ có thuận lợi hơn bởi làm việc với những nghệ nhân dân gian. Còn âm nhạc trong Độc thoại lại chỉ là lấy hơi thở của âm nhạc để phát triển thành tác phẩm. Vì thế, nữ nghệ sĩ có lúc phải tưởng tượng mình đang là nghệ nhân, lúc lại tưởng tượng mình là một… cây đàn tính, hay rơi vào trạng thái lửng lơ giữa núi rừng rộng lớn.
“Ngón dương cầm bão tố” thừa nhận, âm nhạc chị đang theo đuổi là dòng kén khách, trong khi chị chỉ làm thuần túy âm nhạc và không có chiêu trò gì. Lo lắng về việc bán vé là có thật, nhưng mỗi lần ngồi vào đàn là mọi lo âu, mệt mỏi đều tan biến hết để chị dễ thả lỏng bản thân, hòa mình và lướt trong những tiếng nhạc như đang cuồn cuộn dâng trào trong mạch máu.
Nhà sản xuất Nguyễn Thu Hồng đánh giá, Phó An My đã quá mạo hiểm trên con đường nghệ thuật của mình, làm những điều tưởng chừng không ai làm được. An My cho mọi người thấy, không có gì là không thể. “Với buổi diễn lần này, tôi hy vọng có thể quảng bá được tới khách du lịch nước ngoài. Đây là mùa du lịch nên cũng là một dịp tốt để khách du lịch trải nghiệm rằng, người Việt có thể dùng những âm nhạc cổ điển kết hợp với dân gian của vùng miền núi, vùng sâu vùng xa”, nhà sản xuất Nguyễn Thu Hồng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận