Xã hội

Phó Thủ tướng: Không để vay ODA xong mới đi giải phóng mặt bằng

30/06/2020, 20:08

Phó Thủ tướng yêu cầu cần rút kinh nghiệm khi xây dựng, phải chuẩn bị sẵn mặt bằng, không để khi vay xong vốn ODA mới bắt đầu triển khai GPMB.

img
​Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tiếp sau buổi làm việc với TP.HCM, chiều ngày 30/6, tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi làm việc với 5 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long gồm TP. Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi tại các địa phương này.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA, là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để phục hồi phát triển kinh tế-xã hội dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Giai đoạn 2016-2020, Đồng bằng sông Cửu long tiếp nhận 100 dự án với tổng số vốn trên 39 nghìn tỷ đồng, trong đó 5 tỉnh, thành nêu trên có 23 dự án ODA với số vốn vay là 641 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng nguồn vốn ODA cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng chỉ rõ trong 6 tháng đầu năm 2020, tiến độ giải ngân vốn ODA của 5 địa phương còn rất thấp, vì vậy lãnh đạo các địa phương cần nêu rõ khó khăn vướng mắc đối với từng dự án và đặc biệt là đặt quyết tâm đến đâu, giải pháp thế nào để đẩy nhanh tiến độ các dự án từ nay đến cuối năm.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 5 địa phương báo cáo với Phó Thủ tướng về tiến độ và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của từng dự án, trong đó khó khăn, vướng mắc chủ yếu tập trung ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, điều chỉnh tăng giảm quy mô đầu tư một số hạng mục từng dự án…

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tái khẳng định lại nguyên tắc không dùng vốn ODA cho công tác giải phóng mặt bằng, vì vậy các địa phương phải tập trung mọi nguồn lực của mình để có mặt bằng sạch.

“Đề nghị các tỉnh quyết liệt hơn nữa trong việc giải ngân nguồn vốn ODA trong năm 2020. Chúng ta cần rút ra kinh nghiệm khi xây dựng cần chuẩn bị sẵn mặt bằng, không để khi vay xong, ký kết xong mới bắt đầu triển khai GPMB. Rất nhiều dự án bị kéo dài thời gian thực hiện làm hiệu quả của các dự án kém đi do phải trả lãi suất cao hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh,

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với một số dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tuân thủ theo quy định hiện hành (Nghị định 56) và sớm trình cơ quan có thẩm quyền để phối hợp, hỗ trợ.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, thời gian qua nhiều dự án hạ tầng giao thông đưa vào khai thác đã làm thay đổi diện mạo hạ tầng khu vực ĐBSCL

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thông tin, nhiều dự án làm thay đổi diện mạo hạ tầng khu vực ĐBSCL như dự án cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống,.. đều sử dụng nguồn vốn ODA.

Cùng với dự án kết nối Mekong gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống đã được vận hành, đến tháng 9/2020, dự án Lộ Tẻ- Rạch Sỏi hoàn thiện góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông cho khu vực.

Tuy nhiên, để cho giao thương khu vực tứ giác Long Xuyên nói riêng, ĐBSCL nói chung đảm bảo thuận lợi, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ thủ tục theo quy định để các dự án liên quan được triển khai sớm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.