Rà soát lại cao độ của đường và hệ thống thoát nước
Sáng 5/9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp kiểm tra tình hình thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, đoạn nút giao IC2, phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Cùng tháp tùng đoàn, phía Bộ Giao thông vận tải có Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, các Cục, Ban quản lý dự án thuộc Bộ.
Cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 110km được phân thành hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km, trong đó qua địa bàn thành phố Cần Thơ khoảng 600m, qua tỉnh Hậu Giang hơn 37km. Tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km, qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Theo Phó thủ tướng, hiện có tình trạng các tuyến đường làm chưa xong mà đã ngập lụt, tức là cao độ của đường và cao độ của lũ đã không được nghiên cứu khảo sát kỹ.
"Việc thoát lũ, nước sông lên chưa được tính toán kỹ, nếu đường đã thảm nhựa xong mà ngập lụt một vài lần sẽ dẫn đến nhanh hư hỏng, chi phí bảo hành sẽ rất lớn", Phó thủ tướng nhận định.
Phó thủ tướng cho biết, ĐBSCL là khu vực nước sông lên xuống theo mùa thường xuyên. Biến đổi khí hậu cũng có những tác động rất lớn về nước biển dân, nhất là trong nhiều năm tới. Từ đó Phó thủ tướng yêu cầu phải đánh giá lại, kể cả các dự án đang triển khai cũng phải rà soát lại các cao độ, các vấn đề liên quan đến thoát lũ.
Phó thủ tướng cũng lưu ý việc nâng cao độ nền đường để chống ngập nhưng cũng không tạo nên những đê chắn nước, không thoát nước kịp, gây ngập úng cho các địa phương, đô thị. Vì vậy, cần rà soát lại cao độ đường, hệ thống cống thoát nước, lưu lượng thoát nước để đảm bảo đường không bị ngập mà vẫn thoát nước tốt.
Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến hiện đạt tiến độ khá tốt, đạt trên 98%, còn 120 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 99%, hiện còn khoảng hai hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Theo ông Thi, những hộ chưa bàn giao mặt bằng rơi vào vị trí các nút giao, dọc kênh rạch, các khu vực tập trung đông dân cư đang chờ được bố trí tái định cư. Trong đó, Cần Thơ có thuận lợi vì đã có những khu tái định cư có sẵn; các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang gặp khó hơn vì phải chờ xây dựng những khu tái định cư.
Về tiến độ thi công, ông Thi cho biết toàn tuyến cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang - Cà Mau dài 110km, các tuyến nối khoảng 25km, tiến độ thi công hiện đạt khoảng 9%.
Dự án chia làm bốn gói thầu, đoạn Cần Thơ – Hậu Giang một gói thầu, đoạn Hậu Giang – Cà Mau ba gói thầu.
Thi công hàng trăm cây cầu trong khi chờ cát
Ông Trần Văn Thi cho biết, hiện nhà thầu đang triển khai đào đắp hữu cơ, thi công các cầu trong khi vật liệu khó khăn, toàn tuyến có 128 cây cầu, các vị trí cầu thuận lợi đều đang tổ chức thi công.
"Theo chỉ đạo của Bộ GTVT thời gian này tập trung thi công đường công vụ dọc theo tuyến, các công trình cầu, đặc biệt là cầu lớn để tăng sản lượng giải ngân", ông Thi cho hay.
Toàn bộ dự án trong năm 2023 được bố trí hơn 7.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 66%. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, khó khăn lớn nhất là nguồn vật liệu cát đắp, do không có vật liệu cát đắp nên tiến độ dự án đang chậm khoảng ba tháng.
Theo đó, toàn tuyến cao tốc này cần 18,5 triệu m3 cát. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp đã có cam kết cung cấp 7 triệu m3 cát, dự án hiện đã lấy được 400.000m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất, Đồng Tháp cũng giới thiệu thêm năm mỏ cát khác, các đơn vị thi công đang triển khai các thủ tục để tiếp nhận.
An Giang cũng đã có văn bản cung cấp 3,3 triệu m3 cát trong năm nay, và đã giao bốn mỏ cho dự án, hiện đã lấy được 100.000m3 cát thì dừng lại vì vướng điều tra, thanh tra.
Lắng nghe báo cáo của lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, vật liệu đang là vấn đề khó. "Không hút mãi cát dưới sông được, hút dưới sông bao nhiêu thì đất liền sẽ sụt xuống bấy nhiêu, đó là quy luật cân bằng. Chúng ta nâng công suất nhưng phải lấy vấn đề môi trường và giám sát vấn đề sạt lở là ưu tiên đầu tiên chứ không phải khai thác. Các địa phương, nhà thầu khai thác cũng phải lấy vấn đề môi trường, sạt lở làm ưu tiên", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, sớm đưa cát biển vào sử dụng trong những dự án tương tự. Theo Phó thủ tướng, giải pháp cát biển tập trung vào ba tiêu chí cơ lý, môi trường và kinh tế. Nếu trọn vẹn được thì dùng phương án này thay cho các mỏ cát ở trên sông.
Phó thủ tướng cũng lưu ý rằng đến thời điểm này, quá trình thi công gặp những khó khăn, vướng mắc thì chủ đầu tư phải tiên lượng, dự báo và đề ra những giải pháp.
Sau chuyến kiểm tra cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đoạn nút giao IC2 tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, đoàn công tác của Phó thủ tướng tiếp tục có chuyến kiểm tra tuyến cao tốc này tại nút giao IC4, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng và các bộ, ngành sẽ có buổi làm việc với các địa phương ĐBSCL về việc đảm bảo vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trong vùng.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm và Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi kiểm tra thực tế hiện trường thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, công tác tổ chức thi công của các nhà thầu hiện đang làm rất tốt. Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án đó chính là nguồn cát. Nếu dự án cung cấp đủ lượng cát theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.
Theo kế hoạch, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đặt mục tiêu đạt 35% giá trị các hợp đồng xây lắp ngay trong năm 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận