Vận tải

Phối hợp giữ đội tàu biển trong “danh sách trắng”

03/08/2016, 19:02

Sau nhiều nỗ lực, đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế ra khỏi “danh sách đen” và lọt vào “danh sách trắng”...

13

Đăng kiểm viên kiểm định xuồng cứu sinh tàu biển chạy tuyến quốc tế

Sau nhiều nỗ lực, đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế đã ra khỏi “danh sách đen” và lọt vào “danh sách trắng” của Tokyo trong hai năm 2014-2015. Đạt được đã khó, nhưng cần sự quyết tâm để giữ được kết quả này.

Lợi ích lớn từ “danh sách trắng”

Năm 2014, đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế lần đầu thoát khỏi “danh sách đen” của Tổ chức Chính quyền cảng các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo - Mou, gồm 20 quốc gia thành viên). Năm 2015, Việt Nam tiếp tục duy trì trong bản “danh sách trắng”. Để nằm được trong danh sách này, tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài đã giảm xuống mức rất thấp, chỉ còn 3,99% vào năm 2014 và 2,77% vào năm 2015 (tính trên số lượt tàu bị lưu giữ trên số lượt tàu bị kiểm tra).

"Có nhiều lỗi rất cơ bản dẫn đến tàu bị lưu giữ như: Thuyền viên không đáp ứng được yêu cầu kiểm tra việc vận hành hạ xuồng, chạy bơm cứu hỏa hoặc tàu không trang bị hải đồ mới cho tàu… Cục Đăng kiểm VN sẽ triển khai mạnh việc hậu kiểm chất lượng kiểm định của các đơn vị trực tiếp kiểm định tàu biển chạy tuyến quốc tế để phòng ngừa tàu bị mắc khiếm khuyết kỹ thuật”.

Ông Phạm Hải Bằng
Trưởng phòng Tàu biển
Cục Đăng kiểm VN

Việc đội tàu biển ở “danh sách trắng” không chỉ mang lại uy tín cho đội tàu biển trên thương trường quốc tế mà còn đặc biệt hữu ích cho doanh nghiệp. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP vận tải 1 Traco cho biết, khi đội tàu biển bị xếp vào “danh sách đen” cũng đồng nghĩa tàu biển bị lưu ý kiểm tra hơn và khả năng bị lưu giữ cũng cao hơn.

“Khi bị lưu giữ sẽ gặp phiền phức vì liên quan đến ngày (lịch) tàu, hàng hóa chuyên chở. Nếu hàng đã xếp lên tàu rồi chỉ có hủy lịch, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch vận chuyển, chủ tàu đối mặt với nguy cơ bị chủ hàng phạt nặng”, ông Cường nói và cho biết, nếu bị mắc lỗi mà bị lưu giữ ở cảng vùng sâu, vùng xa của nước ngoài, việc khắc phục lỗi ngay tại đó cực kỳ khó khăn, tốn kém. Nhiều trường hợp tàu phải xin bảo lãnh về nước để khắc phục. Có khi doanh nghiệp phải mời đăng kiểm viên từ Việt Nam sang để đánh giá, chứng nhận việc khắc phục.

Cũng theo ông Cường, trong hai năm qua, khi đội tàu biển Việt Nam được xếp ở “danh sách trắng”, tàu của từng doanh nghiệp cũng được các hãng vận tải quốc tế nhìn nhận an toàn hơn, ít bị chính quyền cảng kiểm tra hơn, nhất là những nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc.

Cùng quan điểm, đại diện Công ty Vận tải biển Vinalines (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết, đội tàu quốc gia thoát khỏi “danh sách đen” giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra tại cảng biển các nước thành viên, giúp doanh nghiệp vận tải tăng uy tín. “Hai năm qua, doanh nghiệp gần như không bị chậm chuyến, chậm thời gian giao hàng và không bị đối xử phân biệt khi đàm phán hợp đồng, cũng như tăng thêm sức cạnh tranh với tàu nước ngoài”, đại diện Công ty Vận tải biển Vinalines nói và cho rằng, đó là lợi ích lớn nhất của “danh sách trắng”.

Khó mấy cũng phải giữ

Theo Cục Đăng kiểm VN, 6 tháng đầu năm 2016 tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại khu vực Tokyo - Mou lại tăng mạnh và ở mức 4,12%, khi có tới 14 tàu bị lưu giữ. Riêng tháng 6/2016 có tới 4 lượt tàu bị tạm giữ.

Nếu điều này tái diễn, nguy cơ đội tàu biển không còn nằm trong “danh sách trắng” là thực tế. Bởi theo ước tính của Tokyo - Mou, nếu với tỷ lệ bị lưu giữ từ khoảng 4,5% trở lên sẽ có khả năng bị xếp vào “danh sách đen”.

Ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển Cục Đăng kiểm VN cho biết, đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế hiện có 490 chiếc thuộc đối tượng thực hiện các công ước quốc tế về hàng hải. Nếu phát hiện có khiếm khuyết (lỗi) nghiêm trọng sẽ bị lưu giữ.

“Nguyên nhân các trường hợp bị lưu giữ trong những tháng đầu năm 2016 chủ yếu do công tác bảo dưỡng kỹ thuật của tàu kém và thao tác của thuyền viên không đáp ứng yêu cầu kiểm tra của lực lượng kiểm tra tại cảng biển nước ngoài”, ông Bằng nói.

Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, đang chịu áp lực lớn về việc bị kiểm tra từ chính quyền cảng nước ngoài, nhất là một số nước Đông Nam Á và nhiều khi lý do kiểm tra không phải vì mục đích an toàn. “Việc đánh giá lỗi dựa trên tình trạng tàu, hệ thống quản lý. Có khi tàu tốt không có lỗi, lực lượng kiểm tra lại xoay ra vấn đề con người. Và chỉ cần thuyền viên có trình độ tiếng Anh kém là đủ mệt, có khi họ bảo một đằng lại làm một nẻo, không đáp ứng theo thời gian họ yêu cầu, thế là lại bị đổ cho trình độ chuyên môn kém”, một cán bộ Công ty vận tải biển Vinalines (đề nghị không nêu tên) nói và cho biết thêm, khó khăn lớn nữa là hiện nay chủ tàu Việt Nam năng lực tài chính thấp, trả lương thuyền viên thấp. Do đó, nhiều thuyền viên giỏi đã chuyển sang làm việc cho tàu nước ngoài.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, Bộ GTVT đang xây dựng đề án duy trì đội tàu biển hoạt động tuyến quốc tế trong “danh sách trắng”, với nhiều giải pháp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, thay đổi nhanh của công ước quốc tế về an toàn và an ninh hàng hải. “Cả Đăng kiểm và Hàng hải sẽ phối hợp chặt với các đơn vị vận tải biển để tháo gỡ các khó khăn. Không có lý gì đã đạt được mục tiêu đưa tàu biển vào “danh sách trắng” lại không duy trì được kết quả này”, ông Hình nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.