Hôm nay (8/11), Thanh tra Bộ GTVT phối hợp với Tổng công ty Quản lý bay VN tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tập huấn công tác kê khai, xác minh tài sản, thu nhập cá nhân.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của cán bộ chủ chốt, đảng viên tại Hà Nội và hai điểm cầu TP.HCM, Đà Nẵng, 22 điểm cầu các đài trạm thuộc Tổng công ty Quản lý bay VN trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay VN đề nghị, các cán bộ chủ chốt của đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội nâng cao nhận thức, xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ tiên quyết, trọng yếu. Trực tiếp quan tâm, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, đặc biệt là các đơn vị, chi bộ còn nhiều ý kiến, tồn tại; xử lý các nội dung, sự vụ, sự việc ngay từ khi còn chưa phát sinh, chưa trở thành các vụ việc nổi cộm, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm.
Cùng đó, chủ động rà soát các hệ thống văn bản quy định, báo cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống văn bản, thể chế, chính sách, quy định liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong công tác này...
Tại hội nghị, ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT truyền đạt chuyên đề: Các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ban cán sự đảng, Đảng bộ Bộ GTVT.
Ông Hoàng cho biết, hiện Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện "3 đột phá chiến lược" tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với nhiều dự án quan trọng như đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển...
Vì vậy, hàng năm, Bộ GTVT được Nhà nước giao khối lượng vốn lớn; Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa là cơ quan trực tiếp thực hiện các dự án. Với đặc thù này, các lĩnh vực do Bộ GTVT quản lý có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng.
Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ năm 2020 đến nay, Ban Cán sự đảng, Bộ GTVT đã ban hành 45 văn bản để quán triệt, triển khai, hướng dẫn thực hiện về công tác này trong toàn ngành. Đặc biệt, Ban Cán sự đảng Bộ đã ban hành Nghị quyết số 50 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Bộ trưởng phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Ban Cán sự đảng Bộ ban hành Chỉ thị số 02-CT/BCSĐ về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Bộ GTVT.
"Đây là hệ thống những văn bản chi tiết, cụ thể. Vấn đề là phải tổ chức cụ thể hóa hơn nữa, phù hợp để triển khai thực hiện tại từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp", ông Hoàng nhấn mạnh và đề nghị cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Việc thực hiện phải có sản phẩm cụ thể; định kỳ phải kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện theo đúng phương châm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp bách, lâu dài, thường xuyên, liên tục, từ sớm, từ xa.
Các đại biểu tiếp tục được truyền đạt các chuyên đề: Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Quy định số 114/2023 của Ban chấp hành Trung ương về "Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ"; chuyên đề: Nhận diện, phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực và một số tồn tại, sai phạm thường xảy ra được phát hiện, xử lý qua công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ; bài học rút ra đối với các đơn vị, doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận