Xã hội

Phong GS, PGS: Không thể đổ ngược trách nhiệm lên Thủ tướng

28/03/2018, 13:42

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ GD&ĐT không đổ ngược trách nhiệm lên Thủ tướng trong việc phong GS, PGS.

nguyen-dinh-cung

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Sáng 28/3, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ GD-ĐT, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT lưu ý nhiều vấn đề, đặc biệt trong đó có việc công nhận chức danh GS, PGS mà thời gian qua dư luận rất quan tâm.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong số 1.226 ứng viên GS. PGS, Bộ Giáo dục đã công bố có 94 ứng viên do có đơn thư, Hội đồng chưa xem xét công nhận, việc này là do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, Bộ GD-ĐT bám vào tiêu chí, nguyên tắc thực hiện, phải làm sao cho công khai, minh bạch chứ không thể đổ ngược trách nhiệm lên Thủ tướng.

Giải trình với Tổ công tác, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết về vấn đề này, Bộ đã có giải trình với Thủ tướng và công luận. Kết quả về cơ bản, các ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn đạt chức danh GS. PGS, với những tiêu chuẩn đã được xây dựng khoảng 20 năm. Tuy nhiên, cũng có những ứng viên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và qua các hội đồng cũng sàng lọc chưa chuẩn.

29680787_1587832921329687_965517398_o

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu giải trình với Tổ công tác của Thủ tướng.

Theo quy định, nếu xét xong thấy có vấn đề thì cần rà soát lại. Bước đầu, sau rà soát có 94 ứng viên có đơn thư cần giải quyết đúng theo quy trình và có các minh chứng chưa đủ tin cậy.

“Chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, kế hoạch 31/3 sẽ kết thúc. Hội đồng thậm chí trao đổi, làm việc với một số ứng viên khi cần thiết, để tâm phục khẩu phục. Cuối tháng sẽ có kết quả do ban thanh tra cung cấp. Ứng viên nào đáp ứng đủ điều kiện thì công nhận, không đáp ứng thì không công nhận, bất kể là ai”, ông Nhạ khẳng định.

Ngay sau đó, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, đây không phải là câu chuyện "ta giải trình với ta", mà vấn đề là quốc tế và công luận. Điều này cũng thể hiện sự tin cậy, là uy tín của một đất nước”.

Theo ông Thiên, cần đánh giá tiêu chuẩn học hàm, học vị phải gắn với thực chất. Nếu không thực chất, chỉ bám vào danh thôi thì có tiền là xong.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ thì nhận định, việc phong hàm, công nhận GS. PGS là giọt nước tràn ly, là sự việc kéo dài nhiều năm, nhiều tháng. Ông cũng cho rằng, đây chính là cơ hội để chúng ta thay đổi căn bản.

TS Nguyễn Đình Cung cũng đề xuất ý kiến thành lập một nhóm thanh tra thực sự độc lập rà soát lại tất cả, nhưng chúng ta lại chưa làm như thế. Nếu không, xã hội sẽ tiếp tục bức xúc.

“Bạn bè ta, anh em ta nhiều người là GS. PGS, nhưng có nhiều người thực sự "ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời". Ngay cơ quan tôi có người làm PGS về, yêu cầu tôi phải phong làm nghiên cứu viên cao cấp. Tôi nói tôi không làm như vậy, không phải tôi trả lương, phong cấp theo PGS hay GS”, ông dẫn chứng và nhấn mạnh, phải đánh giá con người theo kết quả công việc chứ không dựa vào danh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.