Y tế

Phòng tránh nguy cơ đột quỵ não mùa lạnh

09/12/2021, 13:38

Thời tiết chuyển lạnh đột ngột làm cho các mạch máu co lại đột ngột, dẫn đến huyết áp tăng cao gây xuất huyết não.

Hỏi:

Tôi nghe nói, thời tiết giá lạnh là tác nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân mắc đột quỵ tăng cao hơn, vậy mong bác sĩ lý giải giúp vì sao và cần làm gì để phòng tránh đột quỵ?

Trần Hoan (Hà Nội)

img

Ảnh minh họa

BS. Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống & Chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y trả lời:

Thời tiết chuyển lạnh đột ngột làm cho các mạch máu co lại đột ngột, dẫn đến huyết áp tăng cao gây xuất huyết não.

Trời lạnh làm chúng ta ít uống nước, ngại rèn luyện thể dục từ đó gây tăng cân, cholesterol tăng nguy cơ tắc mạch máu não, đột quỵ cũng tăng cao.

Đột quỵ não gồm hai loại khác nhau về cơ chế bệnh, chẩn đoán cũng như cách điều trị đó là: Tắc mạch não gây nhũn não và chảy máu não.

Loại tai biến chảy máu hay gặp vào mùa lạnh, đặc biệt là người cao huyết áp do trời lạnh làm co mạch ngoại biên làm huyết áp tăng cao gây chảy máu.

Về mặt triệu chứng (dấu hiệu bệnh) nhiều khi rất khó phân biệt như: Đau đầu, nói khó, nói ngọng, yếu nửa người, méo miệng...

Tùy theo vị trí não bị tổn thương mà dấu hiệu có thể thay đổi. Khi có một trong các dấu hiệu này cần đưa bệnh nhân vào ngay cơ sở y tế chụp MRI mạch não để xác định chẩn đoán và điều trị.

Hiện nay, điều trị tai biến mạch não có rất nhiều tiến bộ. Đặc biệt, tắc mạch máu não có thể can thiệp tái thông mạch não bằng cách lấy huyết khối, hoặc dùng thuốc tiêu sợi huyết.

Tuy nhiên để có thể thực hiện phương pháp này, người bệnh cần đến cơ sở y tế trong vòng 4 - 6 tiếng, muộn hơn sẽ không can thiệp được.

Cần lưu ý, những người có nguy cơ cao bị đột quỵ vào mùa lạnh gồm: Bệnh nhân có tiền sử các bệnh về tim mạch; Bệnh nhân béo phì và thừa cân; Người thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc; Bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu...; Những người có tiền sử bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Khi có tiền sử bệnh hoặc có một trong những nguy cơ trên người bệnh cần chủ động phòng tránh bằng một số cách sau: Tăng cường các loại rau xanh, trái cây; Loại bỏ đồ uống có gas, bia rượu, thuốc lá; Đi bộ 30 phút mỗi ngày như đi thang bộ, đi dạo bộ...;

Đặc biệt, người bệnh cần chủ động thường xuyên tầm soát sức khỏe, tầm soát và dự phòng nguy cơ gây đột quỵ, để từ đó phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.