Hàng không

Phục hồi hàng không, cần chính sách rõ ràng và nhanh chóng

24/05/2022, 20:03

Các chuyên gia cho rằng ngành hàng không, du lịch cần được ưu tiên vay với mức lãi suất ưu đãi, thời hạn ít nhất trong 2-3 năm.

Phục hồi hàng không Việt Nam còn nhiều thách thức

Tại Hội thảo "Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam (HKVN) trong bối cảnh mới” diễn ra sáng nay (24/5), TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngành HKVN vốn đã rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giờ lại tiếp tục đối mặt với các yếu tố mới phát sinh trong năm 2022, đặc biệt là việc giá dầu tăng mạnh làm cho chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không tăng lên; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; chính sách tiền tệ được thắt chặt để ứng phó với lạm phát cao.

img

Ngành hàng không Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong phục hồi và phát triển trở lại sau dịch Covid-19

Trong khi đó, các thị trường trọng yếu, chiếm tỉ trọng chính về lượng khách đi/đến Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hiện vẫn duy trì các chính sách hạn chế về xuất nhập cảnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đang thực hiện chính sách zero Covid-19.

Đồng quan điểm, ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không VN) cho rằng thị trường có dấu hiệu phục hồi nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa, trong khi thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để đạt được như mức trước dịch (năm 2019);

Cùng đó, các hãng cũng đang phải chật vật xoay xở để có dòng tiền duy trì hoạt động. Đó là chưa kể đến việc nguồn nhân lực bị xáo trộn sau việc khai thác cầm chừng, có giai đoạn gần như đóng băng (vào giữa năm 2021)...

Bổ sung thêm, TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2022 - 2025, ngành hàng không VN còn phải đối mặt với những biến đổi của thị trường và nhu cầu khách hàng; hậu quả và di chứng do dịch bệnh và chính sách thích ứng với dịch bệnh để lại cho thị trường và cho chính các doanh nghiệp hàng không…

img

Nhà nước cần đồng hành cùng doanh nghiệp bằng những chính sách, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam

Cần chính sách rõ ràng và nhanh chóng

TS Nguyễn Đức Kiên cho biết, để phục hồi ngành hàng không VN, trước hết, các hãng hàng không phải tái cơ cấu triệt để mô hình kinh doanh và áp dụng phương thức quản trị tiên tiến.

Về phía Nhà nước, việc tiếp tục ban hành các chính sách cho ngành hàng không phục hồi và phát triển là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế cũng như đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

“Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy 35,3% nguồn vốn hỗ trợ ngành hàng không là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; 43,1% là các khoản cho vay và chỉ có 16,5% là cấp vốn chủ sở hữu”, TS Kiên cho hay.

Nói rõ về vấn đề này, GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong số các gói hỗ trợ cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Trên quan điểm công bằng và hiệu quả, hàng không, du lịch và một số ngành dịch vụ có liên quan cần được ưu tiên vay với mức lãi suất ưu đãi, thời hạn ít nhất trong 2-3 năm để vực dậy hai ngành vốn bị ảnh hưởng nặng nhất đến kiệt quệ này.

Ngoài ra cũng cần cân nhắc việc xem xét giảm một số chi phí để hạn chế một phần nào tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu bay thông qua cân nhắc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiêu liệu hàng không; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy bay, cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không.

“Khi kinh tế phục hồi, việc làm và thu nhập sẽ gia tăng, nhu cầu du lịch và đi lại hàng không bị nén căng trong thời gian qua sẽ sớm bật dậy. Do đó, cần đẩy mạnh các biện pháp kích cầu để thu hút người dân du lịch trong nước, tăng nguồn thu cho các địa phương” GS Đạt cho biết.

Các chuyên gia cũng kiến nghị Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch và trực tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá về Việt Nam để giúp ngành hàng không, du lịch thu hút thêm khách quốc tế. Đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế đầu tư phát triển kinh tế nói chung, phát triển ngành HKVN nói riêng, đặc biệt là trong việc mở rộng chuỗi cung ứng của ngành.

Cùng với đó, TS. Bùi Doãn Nề đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành Hàng không.

Tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong thâm nhập và khai thác.

Trước mắt, Nhà nước cần tiếp tục đàm phán để mở rộng phạm vi thừa nhận "hộ chiếu vắc xin" của Việt Nam, thỏa thuận các quy trình, thủ tục với hành khách bay đi và đến Việt Nam để tạo điều kiện cho hành khách...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.