Từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2018, UBND TP Hà Nội mở rộng đê sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, tạo ra diện mạo mới cho giao thông đô thị. Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án mở rộng đường đê sông Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân có chiều dài khoảng 3,7km. Theo TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN, trước khi triển khai xây dựng, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu thêm phương án để so sánh để tạo hiệu quả trong đầu tư…
Mở rộng đê là mơ ước của người dân
Ngay sau khi hoàn thành đưa vào khai thác tháng 10/2018, dự án nhận được đánh giá cao của những người tham gia giao thông, nhất là bà con sinh sống hai bên đường. Đối với các hộ dân sinh sống bên phải tuyến (theo hướng Nhật Tân - An Dương), đây là điều “trong mơ”, khi mặt tiền của các ngôi nhà với vỉa hè được hiện ra trên con đường trục đô thị lớn, văn minh, hiện đại của Thủ đô. Quyết định đầu tư dự án thể hiện tầm nhìn chiến lược của TP Hà Nội trong việc đầu tư phát triển hạ tầng cải thiện bộ mặt đô thị.
Trong điều kiện khó khăn do địa hình thực tế ở phạm vi dự án, cùng với những yêu cầu ngặt nghèo về đảm bảo an toàn đê sông Hồng trên địa bàn trung tâm Thủ đô và đảm bảo giao thông thông suốt trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã phê duyệt một mặt cắt ngang lý tưởng để hình thành trục đường đô thị với bề rộng đường tiêu chuẩn 21,5m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn đường xe thô sơ rộng 3m hai bên, đường gom phía sông rộng trung bình 5,0m. Mặt cắt ngang đường của hai chiều xe chạy có cùng cao độ tạo nên bề mặt thoáng đãng, đủ bố trí hệ thống chiếu sáng, vỉa hè nhiều chỗ có thể trồng cây xanh, tạo nên bộ mặt đô thị hiện đại, khang trang, vừa đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng dân cư dọc tuyến.
Cao độ mặt đường sau khi hạ thấp ở phía sông trung bình khoảng +13, phía nội đô khoảng +12,8, như vậy mặt đê được hạ thấp từ 2÷2,5m đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thuận cùng với việc xây dựng tường chắn kiên cố thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 9902:2016. Một điểm khá phù hợp là trên đoạn này khoảng tĩnh không giữa hai dãy nhà hai bên đường là 31÷36m, cao độ đường gom bên phố khoảng +12,8 cơ bản phù hợp với cao độ nền dãy nhà hiện có.
Phương án nào triển khai giai đoạn 2?
Tiếp theo thành công của giai đoạn 1, thời gian tới UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án mở đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân có chiều dài khoảng 3,7km.
Các đơn vị tư vấn dự kiến chia dự án thành 4 đoạn. Đoạn 1 từ lối rẽ vào khách sạn Thắng Lợi đến nút giao đầu phố Xuân Diệu, chiều dài khoảng 230m. Đoạn này có tĩnh không giữa hai dãy nhà hai bên đường khoảng 36m, cao độ đường gom phía phố khoảng +12,6. Tư vấn đề xuất mặt cắt ngang đường cùng cao độ 19,5m bố trí đường gom và tường chắn phía sông. Do đường gom phía phố thấp khoảng +12,6 nên tư vấn đề nghị giữ cao độ như hiện nay, chỉnh sửa mái taluy dương và bề rộng đường gom hiện có.
Đoạn 2 từ nút giao đầu phố Xuân Diệu đến hết chợ hoa Quảng Bá, chiều dài khoảng 1,1km. Đoạn này có tĩnh không giữa hai dãy nhà hai bên đường khoảng 30÷32m. Cao độ đường gom phía phố khoảng +11 ÷ +11,5. Tư vấn đề xuất mặt cắt ngang đường cùng cao độ, mặt đường bị thu hẹp 16,5m. Phía phố giữ đường gom cao độ như hiện nay đảm bảo chiều rộng khoảng 5m, thay taluy dương bằng tường chắn chiều cao 1 ÷ 1,7m.
Đoạn 3 từ nút giao chợ hoa Quảng Bá đến nút giao Lạc Long Quân, chiều dài khoảng 1,8km. Đoạn này có tĩnh không mép nhà hai bên khoảng 35 ÷ 37m, cao độ đường gom phía phố khoảng +11,5÷ +12. Tư vấn đề xuất mặt cắt ngang đường cùng cao độ 19,5m. Phía phố đường gom hiện nay tăng bề rộng từ 4 ÷ 4,5m lên 5,0 ÷ 6,0m và thay taluy dương bằng tường chắn chiều cao 0,8 ÷ 1,3m.
Đoạn 4 từ nút giao Lạc Long Quân đến đầu cầu Nhật Tân, chiều dài 570m. Đoạn này cơ bản giữ cao độ đường hiện nay +14 ÷ +14,6m. Bề rộng mặt đường 20,25 ÷25m, đường gom phía sông được mở rộng do việc thay taluy dương bằng tường chắn. Phần đường và đường gom phía phố giữ nguyên hiện trạng.
Phương án đề xuất của tư vấn có ưu điểm nổi bật là tạo nên trục đường chính cùng cao độ. Tuy nhiên, đối với các đoạn 1, 2, 3 có tổng chiều dài khoảng 3,1km có những nhược điểm như: Bề rộng đường chính bị thu hẹp còn 16,5÷19,5m, cá biệt đoạn 2 có chiều dài 1.1km chỉ đạt chiều rộng 16,5m, không đảm bảo sự thống nhất trong tiêu chuẩn thiết kế của trục đường đô thị trên chính tuyến.
Cùng đó còn có sự chênh lệch về cao độ giữa đường chính và đường gom phía phố khoảng 1,0÷2,0m tạo nên không gian bị chia cắt (xé nhỏ), nên việc tiếp cận với đường chính của người dân hai bên đường không thuận tiện, nhiều bất cập trong sinh hoạt. Về cảnh quan, trên các đoạn 2 và 3 việc thay taluy dương bằng kết cấu tường chắn trước mặt dãy nhà dân trong khi mặt đường gom bề rộng cơ bản như hiện nay tạo nên cảm giác chật chội hơn so với hiện tại.
Do vậy, cần có sự cân nhắc, so sánh thêm về phương án mặt cắt ngang. Sau khi nghiên cứu thị sát hiện trường, tôi cho rằng, cần nghiên cứu thêm các phương án mặt cắt ngang để so sánh với các nguyên tắc tiếp cận như: đối với các đoạn 1,2,3, cao độ những đoạn đường gom phía phố cần được lựa chọn phù hợp với cốt nền chung của dãy nhà phố, ví dụ: chọn cao độ đường thấp hơn nền nhà khoảng 30÷40cm.
Nếu cao độ được chọn thấp hơn khoảng +12,6, phải làm tường chắn. Theo số liệu dự kiến, chiều cao phía trên của tường chắn từng đoạn sẽ khác nhau: đoạn 1 khoảng 0,5÷1m, đoạn 2 khoảng 1,0÷1,7m, đoạn 3 khoảng 0,8÷1,3m.
Tường chắn này có thể đặt ở hai vị trí: ở tim đường, khi đó mặt đường chính sẽ có hai cao độ của nửa đường phía sông và phía phố chênh nhau từ 0,5÷1,5m. Nửa đường phía phố có bề rộng khoảng 11m cùng với vỉa hè rộng 2÷5m, tổng cộng 14÷16m tạo cảnh quan, tăng độ an toàn và giá trị sử dụng. Đặc biệt là đảm bảo được bề rộng mặt đường thống nhất trên toàn tuyến.
Một phương án khác là đặt tường chắn đặt ở mép đường và sát với đường gom dọc phố như hiện nay (là phương án Tư vấn đang nghiên cứu): phương án này có nhiều nhược điểm đã nói ở trên, trong đó nhược điểm không thể khắc phục là bề rộng mặt đường chính có những đoạn chỉ còn 16,5 ÷ 19,5m, cá biệt đoạn 2 dài 1,1km chỉ còn 16,5m.
Từ những phân tích nêu trên, tôi cho rằng, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo chủ đầu tư giao tư vấn nghiên cứu thêm phương án so sánh trước khi quyết định lựa chọn phương án cuối cùng đối với các đoạn 1, 2, 3 của giai đoạn 2. Trường hợp tốt nhất nên công khai dự án, lấy ý kiến cộng động dân cư quanh khu vực dự án theo quy định hiện hành.
Trên thực tế dọc theo đê Sông Hồng khu vực nội thành Hà Nội đã có nhiều đoạn đường hai cao độ với độ chênh lệch trên nhiều đoạn khá lớn, nhưng lại rất phù hợp với hiện trạng đô thị và khai thác an toàn.
Đối với đoạn 4 (dài 570m), theo đề xuất của tư vấn, đoạn đường này cơ bản giữ nguyên cao độ +14 ÷ +14,6. Vì vậy, khi thay taluy dương bằng tường chắn ở phía sông cần lưu ý đây chỉ là tường chắn đất thông thường, không cần có hệ cọc jet grouting. Ngoài ra, khi nghiên cứu cần lưu ý, đối với phương án chênh cao độ tại dải phân cách giữa tuyến chính cần phối hợp trắc dọc để lựa chọn một số điểm phù hợp (cùng cao độ) cho các phương tiện quay đầu; Bổ sung các bậc thang phục vụ nhân dân khi thoát lũ; Nghiên cứu trên tổng thể giao thông kết nối trục dọc sông Hồng trong tương lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận