Đô thị

Phương tiện tăng chóng mặt, đất cho giao thông mãi "giậm chân tại chỗ"

14/02/2023, 19:42

Nhiều tuyến đường ở Thủ đô đang phải "còng lưng" gánh lượng phương tiện quá tải từ 3 - 5 lần do quy hoạch đô thị không gắn liền với giao thông.

Tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đạt 50% quy hoạch

Sáng nay (14/2), có mặt trên tuyến đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội), dù đã khoảng 9h00, qua giờ cao điểm, nhưng tuyến đường vẫn đông nghẹt. Đặc biệt, tại ngã ba giao với đường Nguyễn Huy Tưởng và đoạn đầu đường giao với tuyến Nguyễn Trãi.

img

Ảnh chụp trên đường Nguyễn Tuân hướng đi Lê Văn Lương lúc 9h30 sáng nay

Theo chú Nguyễn Việt Hùng - người dân bán quán nước trên tuyến đường chia sẻ: Ở đây giao thông thường xuyên ùn tắc, phương tiện đông đúc, mặt đường nhỏ (chỉ khoảng 6m). Nhiều khi nhìn các phương tiện tránh nhau trông rất nguy hiểm bởi diện tích quá hẹp mà lưu thông hai chiều.

Khảo sát của PV, tuyến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) chỉ dài 720 m nhưng đang “gồng gánh” gần 30 tòa chung cư. Điển hình như toà The Legens Tower; tổ hợp Gold Seasons với 4 tòa nhà cao ốc, 3 tòa nhà cao 35 tầng, 1 tòa cao 27 tầng trên tổng diện tích 2,2ha cung cấp khoảng 1.400 căn hộ tương ứng khoảng 5.000 người; Toà nhà ở 90 Nguyễn Tuân rộng 3,7ha bao gồm 2 khối nhà chung cư cao 29 tầng và 87 nhà liền kề cung cấp khoảng 832 căn hộ chung cư phục vụ khoảng 3.000 nhân khẩu, chung cư; Toà Thống Nhất Complex nằm ở 82 Nguyễn Tuân gồm 2 khối nhà 25 tầng với tổng số 552 căn hộ và 48 nhà liền kề trên 1,7ha…

Số liệu đếm xe của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, tuyến đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân hiện lưu lượng đang quá tải đến 5 lần so với quy mô. Vì vậy, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Đáng nói, sau nhiều lần Thanh tra Bộ Xây dựng và các Sở ngành chỉ rõ các sai phạm trong xây dựng, đến nay trên tuyến đường vẫn đang tiếp tục được xây thêm toà chung cư Harmony Square 32 tầng nổi gồm 335 căn hộ cao cấp, dự kiến đưa vào quý 2/2023; toà nhà khu nhà ở hỗn hợp Vihacomplex quy mô 33 tầng nổi, 3 tầng hầm cũng đang được xây dựng tại số 107 đường Nguyễn Tuân.

Cách đấy không xa, trên trục đường Lê Văn Lương, nơi mà theo khảo sát của PV, chỉ chưa đầy 2km đã có tới hơn 40 toà cao ốc và nhiều toà nhà khác đang đua nhau mọc lên. Không những vậy, tuyến đô thị hướng tâm của khu vực Tây Nam còn phải gánh lưu lượng của hàng chục cao ốc khác từ các đường Lê Văn Thiêm, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Tuân... đổ ra.

Cần phải nói rằng, theo quy hoạch phát triển GTVT TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/2016, tỷ lệ diện tích đất giành cho giao thông phải đạt từ 20% - 26%; diện tích đất giành cho giao thông tĩnh đạt từ 3 - 4%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt từ 50 - 55%.

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,35%. Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt trên 18%. Trong khi đó, hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4 - 5%/năm.

Tính đến hết năm 2022, Hà Nội có tới hơn 7,7 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy, hơn 180 nghìn xe máy điện. Đó là chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành tham gia giao thông tại Thủ đô.

Tìm hiểu của PV, nhu cầu về kinh phí đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được Hà Nội đánh giá rất lớn. Nguồn vốn ngân sách hiện chỉ đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu, còn lại 80% do huy động từ các nguồn lực xã hội khác.

Sớm rà soát quy hoạch giao thông vận tải, ưu tiên cho hạ tầng giao thông

img

Dòng phương tiện ken đặc do lòng đường hẹp, lưu lượng đông đúc, quá tải

Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Thời gian qua, ngành GTVT Hà Nội đã tham mưu đề xuất UBND Thành phố triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ giải pháp để giải quyết, hạn chế tình trạng ùn tắc, quá tải về giao thông trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên những giải pháp thực hiện chủ yếu vẫn tập trung vào việc điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu phần nào tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.

"Giải pháp lâu dài, bền vững và cấp thiết hiện nay là phải rà soát hoàn thiện quy hoạch giao thông vận tải và triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông công cộng theo quy hoạch", ông Thường nói và nhấn mạnh: Thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp lâu dài, bền vững là “rà soát hoàn thiện quy hoạch GTVT và triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông công cộng theo quy hoạch”. Kịp thời cập nhật, rà soát, điều chỉnh theo các định hướng mới về phát triển Thủ đô được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như khớp nối đồng bộ với các đồ án quy hoạch ngành quốc gia liên quan đến lĩnh vực GTVT do Bộ GTVT lập và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, Hà Nội cần đẩy nhanh việc đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung theo quy hoạch, triển khai ưu tiên trước các công trình giao thông trọng điểm, bổ sung thêm một số các dự án giao thông phù hợp với thực tiễn.

"Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Thành phố được định hướng hình thành theo hệ thống 7 tuyến đường vành đai và 19 tuyến hướng tâm gồm 7 tuyến cao tốc hướng tâm, 8 tuyến quốc lộ hướng tâm, 4 tuyến kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh. Hiện tại mới chỉ cơ bản hình thành được 7 tuyến cao tốc hướng tâm. Các tuyến vành đai, hướng tâm khác đều đang được đầu tư theo các đoạn tuyến hoặc chưa được đầu tư hoàn thiện và chưa có tuyến đường vành đai nào được đầu tư hoàn chỉnh", bà Thuỷ nói và nhấn mạnh: Thời gian qua, trên các tuyến đường trung tâm TP, chung cư, cao ốc được mọc lên nhan nhản, điển hình là trục Tố Hữu - Lê Văn Lương, dù Thanh tra đã chỉ ra sai phạm nhưng đến nay doanh nghiệp bất động sản vẫn vô tư xây dựng, công khai rao bán.

"Muốn ưu tiên và tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông cần phải ngừng xây mới các toà cao ốc di dời ra các khu vực ngoại thành Hà Nội, mở rộng đường giao thông lên 60 - 70m", bà Thủy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.