Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC làm chủ đầu tư |
Doanh nghiệp đầu tàu phát triển đường cao tốc
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hiện là chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc. Trong suốt 13 năm hoạt động, đơn vị đang được Bộ GTVT đánh giá là đầu tàu phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia này đã lần lượt đưa vào khai thác tuyến cao tốc với tổng chiều dài 415km gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hợp phần vay vốn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Theo kế hoạch, trong năm 2018, VEC sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác thêm 100km đường cao tốc thuộc Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, phân đoạn sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và cao tốc Bến Lức - Long Thành phân đoạn phía Tây.
Tính đến ngày 31/12/2017, các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã đón 111 triệu lượt phương tiện, trung bình có 100.000 lượt phương tiện thông qua an toàn và thông suốt. Trong đó, năm 2017, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đón 12,8 triệu lượt phương tiện; cao tốc Nội Bài - Lào Cai đón 8,47 triệu lượt phương tiện lưu thông. Mặc dù mới đưa vào khai thác từ tháng 8/2017, nhưng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã kịp phục vụ an toàn 220.000 lượt phương tiện và đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các chủ xe cơ giới đường bộ tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đặc biệt, kể từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên (ngày 2/1/2014) đến cuối năm 2017, tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã phục vụ 41,6 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt. Riêng năm 2017, tuyến cao tốc động lực ở khu vực Đông Nam bộ này đã có trên 14 triệu lượt phương tiện lưu thông trên tuyến, lưu lượng trung bình đạt 32.000 - 35.000 lượt xe/ngày đêm, ngày cao điểm lên tới 73.000 lượt phương tiện. Đây cũng là dự án đường cao tốc hiệu quả nhất Việt Nam xét trên cả hai phương diện tăng trưởng doanh thu và sức lan tỏa.
Lợi ích lớn để phát triển KT-XH
Đánh giá hiệu quả của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Thao Thảo (Ninh Bình) cho biết, lợi ích của việc khai thác vận tải trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là rút ngắn hơn một nửa thời gian di chuyển trên tuyến QL1. “Nhờ vậy, chúng tôi quay vòng xe nhanh hơn, mỗi xe trước đây đi một lượt là hết ngày, nay có thể đi một ngày hai lượt. Doanh nghiệp nhờ vậy tiết kiệm được chi phí từ 12-15% so với đi đường cũ, nâng cao hiệu quả kinh doanh”, ông Thao nói và cho biết, quan trọng nhất là lợi ích đường cao tốc mang lại cho người dân, xã hội, không chỉ tiết kiệm thời gian mà việc đi lại trở nên an toàn, thuận tiện hơn. “Hiện nay, gần như 100% doanh nghiệp vận tải ô tô tuyến Hà Nội - Ninh Bình đã chuyển sang chạy tuyến đường cao tốc, bởi lưu thông trên tuyến QL1 trước đây luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn”, ông Thao nhấn mạnh.
Trong khi đó, với dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói: “Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai mang lại nhiều lợi ích KT-XH, thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả vùng Tây Bắc. Tuyến đường đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống, không chỉ của người dân Yên Bái mà cả 5 tỉnh, thành tuyến cao tốc đi qua”.
Bên cạnh việc mang lại hiệu quả lớn đối với xã hội, người tham gia giao thông và các doanh nghiệp thường xuyên vận chuyển hàng hóa, hành khách, việc đưa các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào vận hành khai thác còn góp phần to lớn giảm tải áp lực giao thông, kéo giảm TNGT và ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra trên QL1, QL70 và cửa ngõ vào Hà Nội, TP.HCM.
“Phát triển đường cao tốc ở Việt Nam là nhu cầu cần thiết khi đạt mốc thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/năm. Các tuyến cao tốc đã tác động rõ nét đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nhất là các địa phương ven tuyến”, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận