“Qua sông thì phải lụy đò”, là tình cảnh của hàng ngàn người dân các xã Cẩm Giang, Cẩm Qúy, Cẩm Tú và một phần của xã Cẩm Lương của huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa hơn 30 năm qua. Thế nhưng, câu chuyện đó sẽ mãi lùi vào dĩ vãng khi một cây cầu bê tông kiên cố vừa được xây dựng nhờ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB).
Mong ước 3 thập kỷ đã thành hiện thực
Những ngày cuối tháng 5/2020, có mặt tại bến phà Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, nơi đây không còn hình ảnh đò phao chòng chành được làm từ tre, mét và thùng phi nhựa năm xưa. Thay vào đó là một cây cầu bê tông cốt thép nối đôi bờ sông Mã. Người xe qua lại tấp nập, ai nấy đều phấn khởi vui mừng.
Ở tuổi 43, đã đi làm khắp từ Nam chí Bắc, nhưng chưa lúc nào anh Cao Văn Tươi (trú ở xã Cẩm Giang) lại thấy vui như bây giờ.
Anh Tươi chia sẻ: Bao đời nay, người dân ở đây chỉ có 2 cách để đi lên trung tâm huyện, một là đi đò vượt sông, hai là đi đường vòng xa hơn 17km. Thế nhưng, đó là những ngày bình thường, còn khi mưa lũ thì nơi đây bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.
“Những ngày cầu vừa hoàn thành, người dân nơi đây vui như Tết. Nhiều cụ già tóc bạc phơ, đi không vững cũng bắt con cháu đưa ra để được tận mắt ngắm, tận tay sờ vào cây cầu bằng bê tông cốt thép hiện thực chứ không phải trong mơ. Nhiều cụ đã khóc và nói cứ tưởng đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng không được đi qua cây cầu này”, anh Tươi xúc động nói.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Giang - Cao Anh Vũ phấn khởi cho biết: Bắt đầu từ những năm 1990 - 1991, khu vực xã Cẩm Giang hình thành 7 bến đò kéo cáp để phục vụ việc sản xuất và đi lại cho bà con. Sau đó, rút lại còn hai bến đò, và đến năm 2000 thì rút xuống còn 1 bến đò cáp là vị trí đặt cầu hiện nay.
Cuộc sống “lụy đò” đã ảnh hưởng toàn diện đến đời sống người dân: từ hoạt động dân sinh tối thiểu là ra huyện gặp bạn bè, đến việc học tập của các cháu hay việc giao thương, buôn bán, xây dựng…
Chưa kể, nhiều lần đò phao bị nước lũ cuốn trôi, cáp đứt việc đi lại của bà con nhân dân bị gián đoạn. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, điển hình nhất là vụ đứt cáp chìm đò năm 1997 khiến 2 học sinh tử vong, trong đó một cháu đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. Cho nên, đã từ rất lâu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Giang đề xuất các cấp quan tâm, sớm xây dựng một cây cầu.
Cũng theo ông Vũ, xã Cẩm Giang có 1023 hộ với 5.100 nhân khẩu thì có khoảng 4.000 nhân khẩu thường xuyên đi qua cầu này. Chưa kể còn một lượng rất lớn người dân ở các xã Cẩm Qúy, Cẩm Tú và Cẩm Lương cũng đi qua đây để lên trung tâm huyện.
Việc có cầu không chỉ qua lại an toàn mà còn rút ngắn khoảng cách từ xã lên trung tâm huyện chỉ còn khoảng 1,5km. Đặc biệt, ngay khi cầu được xây dựng, UBND huyện Cẩm Thủy cũng lập dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường qua cầu đề vào trung tâm xã Cẩm Giang.
Cùng với đó, UBND xã Cẩm Giang quy hoạch khu vực dọc cầu Cẩm Giang trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương và vùng phụ cận. “Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, một tương lai mới sẽ mở ra ở vùng đất này”, ông Vũ tự tin.
Công trình tri ân nhân dân
Là doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, chứng kiến niềm vui của chính quyền và người dân địa phương, kỹ sư Nguyễn Xuân Huy - Phụ trách kỹ thuật, Tổng Công ty CP ĐTXD Minh Tuấn cũng vui lây.
Anh Huy nhớ lại những ngày đầu về thi công: "Khi nghe tin đơn vị về thi công xây dựng cầu, chính quyền và bà con nhân dân ai cũng rất phấn khởi. Chính quyền thì bố trí cắt đất của xã cho làm cầu. Người dân thì giúp đơn vị kéo điện, dựng lán trại, tạo điều kiện cho xe chở vật liệu vào thi công.
Cũng chính bà con nhân dân xã Cẩm Giang đã đóng góp hơn 200 triệu đồng và nhiều ngày công hoàn thành đường dẫn 2 bên đầu cầu. Thấy vậy, anh em chúng tôi cũng phấn đấu thi công thật nhanh, thật chất lượng để tri ân, đáp lại tình cảm của chính quyền và bà con".
Cũng theo anh Huy: Cầu Cẩm Giang gồm 10 nhịp với tổng chiều dài 330m, mặt cầu rộng 3,5m; trong đó có 2 nhịp tránh xe ở 2 đầu cầu rộng 6m, tổng số vốn đầu tư là 33 tỷ đồng; thời gian thi công là 12 tháng kể từ ngày 20/2/2019.
“Nếu xét về mặt kỹ thuật thì thi công cầu Cẩm Giang không có gì phức tạp. Tuy nhiên, do đặc thù là công trình thuộc dự án xây dựng cầu dân sinh (LRAMP), lượng vốn hạn chế. Ngoài ra, theo tiến độ đề ra là 12 tháng nhưng thời tiết ở khu vực Thanh Hóa rất khắc nghiệt; chỉ thi công được 9 tháng, còn từ tháng 7 - 10 là mùa mưa, không thể thi công.
Khó khăn nhất là lúc khoan cọc nhồi dính phải hàng loạt hang cát-tơ. Địa chất này đã gây không ít khó khăn và tốn kém cho đơn vị. Có thời điểm theo thiết kế chỉ đổ 31 khối bê tông, nhưng gặp phải hang cát-tơ, bê tông bị nước cuốn trôi nên phải đổ đến 81 khối bê tông” - kỹ sư Huy cho biết.
Khó khăn về thời tiết, nguồn vốn và phức tạp về địa chất là như thế nhưng đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 4 (Bộ GTVT) đã cùng với đơn vị thi công, tư vấn giám sát quyết tâm thi công liên tục 3 ca/ ngày. Sau 11 tháng triển khai thi công, công trình đã hoàn thành, vượt tiến độ 1 tháng - Đúng vào dịp chào mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo kế hoạch sau khi được điều chỉnh, bổ sung thì từ năm 2017 - 2021, Ban Quản lý dự án 4 sẽ triển khai thi công 23 cầu dân sinh (LRAMP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với tổng số vốn dự kiến lên đến 187 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến nay, Ban Quản lý dự án 4 đã triển khai thi công xong cả 23/23 cầu với tổng số vốn hết khoảng 160 tỷ đồng. Hiện đã bàn giao và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả 17 cầu, còn lại 6 cầu đang hoàn tất các thủ tục để bàn giao.
Theo kế hoạch, Ban đã vượt tiến độ thi công hẳn 1 năm và tiết kiệm được cho Nhà nước 27 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận