Hạ tầng

Quảng Nam: Nhà thầu thiệt hại vì chậm mặt bằng, chủ đầu tư vẫn đòi thu hồi vốn tạm ứng

29/11/2023, 15:50

Do mặt bằng chậm bàn giao, gói thầu nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 608 ở Quảng Nam (vốn vay ADB) không thể cán đích theo kế hoạch, nhà thầu gánh thiệt hại nặng.

Mặt bằng giao "nhỏ giọt", nhà thầu thiệt hại tiền tỷ

Sau hơn 3 năm triển khai, gói thầu nâng cấp, cải tạo ĐT608 (HA/W4) trên địa bàn phường Điện Dương, Điện Minh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn trong cảnh thi công dang dở. Trên công trường, nhiều thiết bị đắp chiếu không có công địa để triển khai.

Quảng Nam: Chậm bàn giao mặt bằng, dự án mở rộng tỉnh lộ 608 mất vốn ADB - Ảnh 1.

Nhiều đoạn tuyến gói thầu vướng mắc mặt bằng do dân khiếu nại đền bù chưa được cơ quan chức năng địa phương xử lý khiến công trình này tiếp tục trễ hẹn.

HA/W4 là một trong các gói thầu thuộc dự án thành phần của Quảng Nam về phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu, có vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). 

Trong đó, gói thầu HA/W4 có tổng mức đầu tư khoảng 130 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ADB (chiếm 88%) và ngân sách địa phương đối ứng (12%). 

Công trình do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (Ban QLDA Giao thông Quảng Nam) làm chủ đầu tư, liên danh nhà thầu Tổng công ty Cienco 5 - Tổng công ty Thế Thịnh - Tổng công ty CP xây dựng công trình 545 thi công. 

Theo hợp đồng ban đầu, công trình khởi công từ tháng 9/2020 và hoàn thành vào tháng 8/2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, bão giá vật liệu, vướng mắc mặt bằng… khiến dự án liên tục điều chỉnh thời gian.

Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng vào tháng 4/2023 gia hạn thời gian hoàn thiện dự án tổng thể, gói thầu HA/W4 được kéo dài thời gian hoàn thành đến cuối năm 2023.

Đến nay, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, song dọc công trường nâng cấp, mở rộng ĐT608 vẫn trong cảnh thi công ảm đạm. 

Toàn gói gói thầu có tổng chiều dài hơn 6km, những vị trí có mặt bằng sớm đã thảm nhựa mặt đường cơ bản từ năm 2021 - 2022. Các vị trí còn lại đều trong cảnh chờ mặt bẳng, cỏ mọc um tùm vì xung quanh vướng hộ dân, không có đường tiếp cận.

Theo đại diện liên danh nhà thầu, cả 18 tháng nay công trường hầu như không được bàn giao mặt bằng để thi công. Mới đây nhất, ngày 15/11, chủ đầu tư mới bàn giao gần 150m của một hộ dân ở phường Điện Dương. 

Với kiểu bàn giao "nhỏ giọt", mặt bằng xôi đỗ khiến các nhà thầu không thể thi công đại trà, đẩy tiến độ.

Quảng Nam: Chậm bàn giao mặt bằng, dự án mở rộng tỉnh lộ 608 mất vốn ADB - Ảnh 2.

Máy móc của nhà thầu đắp chiếu, không thể thi công hơn năm rưỡi khiến phát sinh nhiều chi phí do chờ mặt bằng.

Theo liên danh nhà thầu, ngay khi gói thầu được khởi công, các đơn vị tăng cường 3 mũi thi công để đẩy tiến độ. Tuy nhiên, vướng mắc mặt bằng dai dẳng đã không được chủ đầu tư, các đơn vị chức năng tháo gỡ. 

Đáng kể, trong gói thầu ĐT608 có hạng mục đường ĐH14 dài 1,4km (giá trị hơn 39 tỷ đồng) nhưng chủ đầu tư mới bàn giao mặt bằng được 300m và nằm giữa tuyến. Trong khi đó, nhà dân xung quanh chưa được đền bù giải tỏa, chưa có phương án bố trí tái định cư.

Lãnh đạo Cienco 5 cho hay, vướng mắc mặt bằng không chỉ làm cản tiến độ triển khai mà khiến liên danh nhà thầu gánh thiệt hại nặng nề. 

Trong đó, chỉ riêng chi phí điều hành, lương nhân sự, thiết bị lán trại, phòng thí nghiệm và các chi phí khác phát sinh trong thời gian chờ đợi GPMB suốt 18 tháng qua lên hơn 1,9 tỷ đồng.

Làm rõ cơ sở thu hồi vốn tạm ứng

Trao đổi với PV, lãnh đạo Cienco 5 cho hay, vừa qua, đơn vị có nhiều văn bản đề nghị UBND tỉnh, chủ đầu tư bồi thường thiệt hại do chờ GPMB, bổ sung hạng mục thi công đã được tư vấn thiết kế, đơn vị chức năng xác nhận, lập biên bản… 

Đồng thời đề nghị chủ đầu tư thu hồi các công văn yêu cầu ngân hàng bảo lãnh thực hiện hoàn trả vốn tạm ứng gói thầu HA/W4 vì yêu cầu này không có cơ sở pháp lý, trái với điều khoản tạm ứng đã được quy định tại hợp đồng.

Theo Cienco5, thực hiện gói thầu trên, nhà thầu được tạm ứng 19% giá trị hợp đồng (tương đương hơn 20 tỷ đồng) và sẽ tiến hành khấu trừ vào các đợt thanh toán. 

Tiền tạm ứng sẽ thu hồi hết khi Cienco5 thực hiện đạt 80% giá trị hợp đồng. Tiền tạm ứng còn lại buộc thu hồi chỉ khi nhà thầu vi phạm một trong 2 quy định tại thư bảo lãnh của ngân hàng: Nếu Cienco5 sử dụng tiền tạm ứng cho các mục đích khác không phải là chi phí huy động liên quan đến công trình; không trả lại tiền tạm ứng theo các điều kiện hợp đồng.

Quảng Nam: Chậm bàn giao mặt bằng, dự án mở rộng tỉnh lộ 608 mất vốn ADB - Ảnh 3.

Những vị trí được bàn giao mặt bằng, nhà thầu cơ bản hoàn thiện lớp mặt bê tông nhựa đưa vào khai thác (đoạn tuyến gói thầu qua ĐT.609 thảm nhựa từ tháng 6/2023). Còn lại gần 40 tỷ đồng giá trị thi công không thể triển khai do vướng GPMB.

"Tiền tạm ứng được Cienco 5 đã dùng đúng mục đích và hoàn trả qua các đợt thanh toán, giải ngân đúng theo quy định hợp đồng. 

Tuy nhiên, việc chủ đầu tư từ tháng 10/2023 có nhiều văn bản buộc nhà thầu hoàn trả tiền tạm ứng còn lại khi giá trị giải ngân đạt khoảng 45% (chưa đạt đến 80%), chưa có bất kỳ quyết định dừng dự án là không có cơ sở, trái quy định", đại diện Cienco 5 nêu ý kiến.

Cũng theo Cienco 5, việc không thể hoàn thành giá trị hợp đồng còn lại vào cuối năm 2023 là do vướng mắc mặt bằng, hoàn toàn không phải lỗi của nhà thầu mà thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. 

Do đó, việc buộc nhà thầu hoàn trả tiền tạm ứng trong bối cảnh này không có cơ sở pháp lý, trái với quy định hợp đồng, chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 424: Trường hợp dự án vẫn chưa hoàn thành sau thời gian gia hạn, hủy bỏ số vốn vay ADB chưa sử dụng, UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành.

Đại diện Cienco 5 kiến nghị, nếu hợp đồng phải dừng thực hiện khi chưa hoàn thành công trình, yêu cầu chủ đầu tư bồi thường các chi phí cho nhà thầu trong quá trình tổ chức thi công chờ GPMB (khoảng 1,9 tỷ đồng), thay đổi, bổ sung hạng mục thi công (gần 800 triệu đồng, đã được TVTK, đơn vị chức năng xác nhận, lập biên bản…); nghiệm thu toàn bộ các khối lượng đã thực hiện và thanh quyết toán hợp đồng, nếu Cienco5 còn nợ tiền tạm ứng thì Cienco5 sẽ hoàn trả lại cho chủ đầu tư.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh nhận được kiến nghị liên quan hoàn trả tiền tạm ứng gói thầu HA/W4 của Cienco5 và có văn bản đề nghị Ban QLDA Giao thông tỉnh làm việc với Cienco 5 để giải quyết.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư cho hay, vướng mặt bằng là thực trạng nhiều dự án. Do đặc thù vay vốn ADB nên gói thầu HA/W4 cần quyết toán trước thời hạn 31/12/2023 để tránh các phát sinh thuế phí, lãi về sau.

"Vì thế việc thu hồi tiền tạm ứng phải hoàn thiện trước cuối năm 2023, chứ không để hết thời hạn mới triển khai. Ban làm đúng quy định khi thu hồi tiền bảo lãnh còn lại của các nhà thầu dự án vốn vay ADB, trong đó có nhà thầu Cienco5.

Nhà thầu sẽ được khấu trừ 5% bảo hành nếu được ngân hàng chấp thuận bảo lãnh. Đồng thời sau khi hết thời gian gia hạn của Chính phủ (32/12/2023), dự án sẽ chấm dứt triển khai. 

Trường hợp tiếp tục đầu tư sẽ lập dự án mới với nguồn vốn phù hợp, triển khai theo quy định", vị này thông tin. 


Theo lãnh đạo Ban QLDA Giao thông Quảng Nam, một số hạng mục gói thầu HA/W4 không thể triển khai thực hiện được và phải dừng kỹ thuật do không thể GPMB. Theo đó, nhà thầu Cienco 5 không có khối lượng để nghiệm thu thanh toán và thu hồi tạm ứng.

Trước đó, với tư cách là bên thụ hưởng theo bảo lãnh tạm ứng ngày 26/80/2020 do ngân hàng BIDV Bình Định phát hành, Ban QLDA Giao thông Quảng Nam đã có công văn yêu cầu ngân hàng thu hồi tiền tạm ứng theo hợp đồng của nhà thầu Cienco 5 là hơn 8,6 tỉ đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.