Xã hội

Quảng Ngãi: Chê khu tái định cư tiền tỷ, dân về lại nơi sạt lở

31/05/2023, 06:30

Cuộc sống không như mong đợi ở những khu TĐC tiền tỷ, người dân xã Trà Sơn (H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) quay về nơi ở cũ dù nguy cơ sạt lở cận kề.

Khu tái định cư rộng 1ha chỉ có 3 hộ dân

img

Khu tái định cư thôn Trung chỉ còn đúng 3 hộ gia đình sinh sống

Khu tái định cư (TĐC), định canh thôn Trung, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng là một trong những khu TĐC đầu tiên được đầu tư tại tỉnh Quảng Ngãi để di dời hàng chục hộ dân ở khu vực nguy cơ sạt lở núi.

Thế nhưng, chỉ vài năm sau khi huyện giao đất cho người dân sinh sống, khu TĐC này trở nên hiu quạnh.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày cuối tháng 5, nằm cách Quốc lộ 24C chỉ vài bước chân, song ở khu TĐC được cho là kiểu mẫu này hiện chỉ là những ngôi nhà lụp xụp, cỏ dại um tùm.

Đi dọc theo khuôn viên khu TĐC rộng khoảng 1ha, được xây dựng rất bài bản với thiết kế giật cấp 2 lớp nhà, chỉ thấy khung cảnh hoang tàn.

Cạnh đó là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố nhưng sau nhiều năm không sử dụng đã đổ sập. Đi sâu vào cuối khu TĐC chỉ thấy 3 căn nhà có dấu hiệu người dân sinh sống. Song, tất cả đều cửa đóng then cài im ỉm, vài bộ quần áo cũ phơi trước nhà…

Đến chiều tối, quay trở lại khu TĐC, PV mới gặp được bà Hồ Thị Khương, 63 tuổi, vừa đi làm rẫy trở về. Bà Khương cho biết, trước đây, những người nằm trong diện TĐC như bà đều hăm hở về xây dựng nhà để ở sau khi “chạy núi lở”. Thế nhưng, chỉ được thời gian ngắn, những hộ dân đó lần lượt rời đi và đến giờ còn 3 hộ bám trụ.

Theo bà Khương, lý do người dân chê khu TĐC là vì nơi này chỉ được đầu tư hạ nền đất, còn lại điện chiếu sáng, nước sạch không có. Sau này, xã có làm đường điện nhưng người dân bỏ đi đã lâu và ổn định cuộc sống tại nơi ở cũ nên không quay về nữa.

“Đến bây giờ nước sạch vẫn không có dù đã được đầu tư đường ống nước. Ba hộ dân ở đây phải dùng nước suối, nhưng mùa hè nên suối cũng dần cạn nước. Chúng tôi cố bám trụ ở đây gần 10 năm rồi, chỉ mong nhà nước sớm đầu tư cấp nước sạch, chứ mãi thế này không ổn định được”, bà Khương nói.

Theo lãnh đạo UBND xã Trà Sơn, để kéo người dân về khu TĐC, tránh lãng phí và đảm bảo an toàn cho bà con vùng lở núi, xã đã kiến nghị huyện đầu tư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Tuy nhiên, các hộ dân từ chối vì nơi ở hiện tại đã ổn định.

Người dân chọn ở… trên núi

img

Một ngôi nhà ở khu tái định cư thôn Trung, xã Trà Sơn đổ sập chỉ còn 4 bức tường trơ trọi

Năm 2013, dự án khu TĐC Gò Nổi trị giá 9 tỷ đồng được xây dựng ở xã Trà Sơn nhằm di dời 59 hộ dân tổ 1, tổ 2 và tổ 3, thôn Tây - vùng sạt lở núi ở khu vực giáp ranh với xã Trà Nham.

Năm 2015, dự án đã hoàn thành hệ thống hạ tầng, nhà văn hóa, phòng học cho bậc mầm non và tiểu học… Mỗi hộ dân đến sinh sống tại khu TĐC sẽ được địa phương cấp 300m2 đất ở và 45 triệu đồng để xây dựng nhà.

Thế nhưng, sau 8 năm đưa vào sử dụng, khu TĐC tiền tỷ này trở nên hoang vắng khi phần lớn nhà để hoang. Trong số 59 hộ dân thuộc danh sách được cấp đất và xây nhà ở tại khu TĐC, chỉ có 35 hộ đã dọn đến ở, còn 24 hộ vẫn từ chối không rời núi.

Một số trường hợp dọn đến khu TĐC ở được thời gian thì bỏ về nơi ở cũ, bất chấp ngọn núi có nguy cơ đổ sập do vết nứt dài.

Theo ông Hồ Văn Ký, một hộ dân địa phương, khu TĐC được đầu tư có đường, có điện nhưng điểm mấu chốt là người dân không có đất làm ăn.

Đất rẫy trước đây của người dân ở cách khu TĐC hơn 5km, do đó các hộ ban đầu làm nhà tạm ở để lên rẫy, dần dần dọn hẳn lên làng cũ trên núi cao ở, bỏ luôn nhà dưới khu TĐC.

Lãnh đạo xã Trà Sơn cho biết, chính quyền xã và huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, cử người đến vận động, tuyên truyền người dân về khu TĐC ở để tránh sạt lở núi nguy hiểm đến tính mạng.

Lãnh đạo UBND huyện còn cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để bà con an tâm sinh sống tại khu TĐC. Từ đó, một số hộ dân đã xuống làm nhà bếp, làm rào chắn xung quanh nhà để không cho gia súc vào phá. Nhưng chuyển cả gia đình về ở tại khu TĐC thì chưa có hộ dân nào thực hiện.

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo xác nhận, thực trạng người dân chê các khu TĐC do huyện đầu tư là có. Trong đó, nguyên nhân chính là do đất sản xuất cách xa khu TĐC.

“Lãnh đạo huyện đã đến tận nơi để đối thoại với bà con, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và động viên người dân về khu TĐC sinh sống.

Bên cạnh đó, những ngôi nhà mà người dân không ở bị hư hỏng, địa phương tiến hành sửa chữa và sơn lại.

Đến giờ, một số trường hợp vẫn quyết chưa rời núi, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục vận động. Chỉ có xuống khu TĐC sinh sống thì người dân mới đảm bảo an toàn và các cháu nhỏ được học tập tốt hơn”, ông Thảo cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.