Thiếu vật liệu san lấp, loạt dự án giao thông nguy cơ chậm tiến độ
Những ngày trung tuần tháng 7, hai gói thầu số 16 của dự án đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến tỉnh lộ 338 (giai đoạn 1) đã bàn giao 100% mặt bằng. Theo tiến độ, hai gói thầu dự kiến hoàn thành từ năm 2020-2022.
Tuy nhiên, quá trình thi công thiếu vật liệu san lấp (VLSL), nên đầu năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phải quyết định gia hạn đến gói thầu số 16 đến ngày 31/12/2023.
Thiếu mặt bằng, vật liệu san lấp, dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều có nguy cơ chậm tiến độ.
Theo đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh (Ban Dân dụng) - đơn vị chủ đầu tư, dự án cần tới 1,9 triệu m3 VLSL.
Ban đầu, khi triển khai, nguồn VLSL phục vụ dự án được cấp từ mỏ tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên. Thế nhưng, khi đang thi công thì mỏ đất tại TP Uông Bí phải dừng khai thác còn mỏ ở TX Quảng Yên thì trữ lượng khai thác rất ít, lại phải cung cấp cho nhiều dự án khác.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Đỗ Mạnh Trường, Chỉ huy trưởng công trường của Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình giao thông Phương Thành - đơn vị thị công gói thầu số 16 cho biết: Hiện vấn đề khó nhất là VLSL đã được tháo gỡ, việc cung cấp đất đắp đã được bố trí từ mỏ tại TP Hạ Long thay cho mỏ tại TP Uông Bí.
"Tuy nhiên, lượng VLSL hai mỏ đất cung cấp cho dự án vẫn thiếu so với nhu cầu. Doanh nghiệp rất mong cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tháo gỡ về nguồn VLSL để đẩy nhanh tiến độ thi công", anh Trường nói.
Gói thầu số 16 dự án đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến tỉnh lộ 338 (giai đoạn 1) đã bàn giao 100% mặt bằng, chỉ cần đủ nguồn VLSL để khẩn trương thi công.
Tại công trường thi công dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều giai đoạn 1 do Ban Dân dụng làm chủ đầu tư, PV Báo Giao thông được chứng kiến buổi họp giữa các bên để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, tuyến vận tải VLSL, nguồn đất đắp...
Kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Tuấn Hải, Phó phòng Điều hành dự án 1, Ban Dân dụng cho biết: Dự án cần 1,2 triệu m3 VLSL. Ban đầu, dự án được lấy đất tại mỏ ở TP Uông Bí và mỏ ở TX Quảng Yên. Khi mỏ ở TP Uông Bí gặp khó khăn thì cấp có thẩm quyền nhanh chóng bố trí thay thế bằng mỏ tại TP Hạ Long. Nếu mặt bằng và nguồn VLSL được đảm bảo, dự án sẽ thi công thuận lợi".
Mỏ đất Minh Phúc ở TX Quảng Yên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ VLSL cho 2 dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh đang triển khai.
Giải "cơn khát" nguồn VLSL
Để hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, giống như những địa phương khác trong cả nước, có thời điểm, tỉnh Quảng Ninh cũng rơi vào tình trạng "khát" vật liệu san lấp. Hậu quả là đã dẫn đến nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngọc Thái Hoàng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Ninh khái quát: Theo số liệu tổng hợp, thì nhu cầu nguồn đất, đá làm VLSL trên địa bàn Quảng Ninh đến năm 2025 là khoảng 570,329 triệu m3, đến năm 2030 là khoảng 1.068 triệu m3.
Nguồn đất, đá thải mỏ ở Quảng Ninh dồi dào, đáp ứng tốt được nhu cầu về nguồn VLSL các dự án trên địa bàn.
Ông Hoàng cho biết, qua báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng), các bãi thải mỏ có thể cung cấp nguồn VLSL cho các dự án trên địa bàn giai đoạn 2021-2030 là khoảng 965 triệu m3. Đây là nguồn cơ bản đáp ứng phần lớn như cầu về VLSL ở Quảng Ninh.
Thực tế thì từ tháng 11/2022, TKV đã bố trí khai thác, thu hồi đất, đá thải mỏ Suối Lại thuộc Công ty Than Hòn Gai có trữ lượng 3,5 triệu m³ để thi công dự án cầu Cửa Lục 3.
Trước đó, tháng 10/2020, Bộ Tài nguyên và môi trường đã thống nhất để tỉnh Quảng Ninh khai thác nguồn đất, đá tại bãi thải mỏ Núi Béo tại TP Hạ Long để thi công dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 1).
Đây là hai mỏ đầu tiên của TKV được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép khai thác đất, đá thải mỏ làm VLSL ở Quảng Ninh, mở ra giải "cơn khát" về VLSL cho các dự án trọng điểm.
Khó nhất là theo Luật Khoáng sản 2010, thì việc cấp phép khai thác sử dụng đất, đá thải mỏ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và môi trường. Trong khi đó, luật này lại chưa có các quy định chi tiết về việc hướng dẫn hồ sơ pháp lý đối với việc cấp phép khai thác khoáng sản đồng thời với việc khai thác đất, đá thải mỏ làm VLSL…
Do vậy, để khai thác được nguồn đất, đá thải mỏ phục vụ các dự án, trên cơ sở tiền đề thuận lợi từ việc khai thác bãi thải ở mỏ Suối Lại, Núi Béo, UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng chỉ đạo xác định được 32 điểm bãi đất, đá thải mỏ làm VLSL cho các dự án trên địa bàn.
Nhờ kịp thời bổ sung nguồn VLSL từ đất, đá thải mỏ, dự án cầu Cửa Lục 3 ở TP Hạ Long đã nhanh chóng được đẩy nhanh tiến độ.
Đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét, giải quyết cấp phép việc khai thác, thu hồi đất, đá thải mỏ ở 4 bãi thải có tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3 để phục vụ thi công một số dự án giao thông gồm: Bãi thải vỉa 14 cánh Tây của Công ty CP than Núi Béo (0,8 triệu m3), bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng công ty Đông Bắc (3,5 triệu m3), bãi thải Suối Lại của TKV (3,5 triệu m3) và bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng công ty Đông Bắc (4,73 triệu m3)…
Ông Phạm Hồng Biên, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện tỉnh đang xây dựng đề án tổng thể bảo đảm nguồn VLSL trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đã cơ bản hoàn thành dự thảo và xin ý kiến của các cơ quan chức năng, các chuyên gia… để nhanh chóng triển khai.
"Đến thời điểm hiện tại, nguồn VLSL thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, dự án giao thông nói riêng đã cơ bản có hướng giải quyết. Khi đề án tổng thể bảo đảm nguồn VLSL trên địa bàn được thông qua sẽ giải quyết dứt điểm các vướng mắc về VLSL phục vụ các dự án trên địa bàn", ông Biên cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận