Chi triệu đô làm tuyến đê bao rừng ngập mặn… rồi bỏ không
Phản ánh tới Báo Giao thông, nhiều cán bộ, nhân dân xã Tân Lập và Đầm Hà, huyện Đầm Hà cho biết, tuyến đê bao rừng ngập mặn thuộc dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản (dự án hạ tầng - PV) trị giá hàng triệu đô đã hoàn thành từ lâu, nhưng không phát huy tác dụng.
Trong khi đó, nhiều diện tích rừng ngập mặn trong và phụ cận dự án rất có giá trị bảo vệ môi trường, là nơi sinh trưởng của nhiều loại hải sản quý, tạo sinh kế cho người dân địa phương đang có nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng.
Gần trưa 8/3, PV Báo Giao thông men theo con đường nhỏ cắt lên ngọn đồi để vào dự án hạ tầng và ghi nhận, từ trên đỉnh đồi cao nhìn xuống vùng dự án, tuyến đê bao đã được hoàn thành. Nhưng ở phía trong tuyến đê bao, do lưu lượng nước biển vào hạn chế lại bị bồi lắng bởi đất đá từ phía đồi, những dòng nước ngọt từ phía trong đưa ra đã khiến hàng chục héc ta rừng ngập mặn đang bị uy hiếp.
Còn ở phía ngoài đê bao, nhiều diện tích rừng ngập mặn vùng phụ cận cũng đang bị tác động tiêu cực. Bởi lẽ, mặc dù dự án đã hoàn thành từ lâu, nhưng hàng trăm mét khối bùn, đất đã không được thanh thải.
Hậu quả là chất thải trong quá trình xây dựng để lại này đã bị thủy triều cuốn trôi tràn vào thảm rừng ngập mặn, làm hạn chế sinh trưởng của cây. Đặc biệt, ở hai cửa xả nước, bùn, đất không được thanh thải triệt để đã bị nước cuốn trôi vùng lấp ra xa, làm ảnh hưởng đến luồng lạch tự nhiên, gây khó khăn cho phương tiện ra, vào.
Ông Đặng Phúc Minh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà cho biết, tuyến đê bao dài 3.590m, rộng 6,7m, cao trình đê +4,7m. Mặt đê đổ cấp phối đá dăm; mái đê phía biển gia cố bằng đá hộc lát khay lót đá dăm, phía dưới lót vải lọc địa kỹ thuật. Trên tuyến đê có 3 cống cấp thoát nước.
Công trình là dự án nhóm B, thuộc nhóm đê điều cấp V, có thể chịu được bão cấp 9 có tổng mức đầu tư ban đầu là 155 tỷ đồng từ ngân sách, do UBND huyện Đầm Hà làm chủ đầu tư. Dự án thi công từ năm 2019 và hoàn thành năm 2020.
Theo quyết định phê duyệt quyết toán của Sở Tài chính Quảng Ninh ngày 30/8/2022 thì tổng mức đầu tư dự án được duyệt là trên 122,23 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là trên 94,5 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng là trên 13,06 tỷ đồng.
Clip toàn cảnh tuyến đê bao và dự án hạ tầng đang bị bỏ không, khiến dư luận thắc mắc.
Theo ông Minh, quá trình thi công, do yếu tố địa hình phức tạp, nên phải thiết kế bệ phản áp để chống lún, xô đẩy thân đê. Sau khi dự án hoàn thành, nhà thầu phải tiến hành thanh thải theo quy định. Tuy nhiên, do không có hướng, tuyến lắp đặt thiết bị, nên còn một lượng chất thải không thể thu dọn hết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thu, đại diện nhà thầu thi công tuyến đê cho biết, quá trình thanh thải vật thi công, doanh nghiệp đã cố gắng xúc, dọn. Tuy nhiên, ở nhiều điểm, phương tiện không tiếp cận được do yếu tố địa hình phức tạp và cần phải để lại một phần để bảo vệ bệ phản áp, nên mới có thực trạng như hiện nay.
"Dự án đã được quyết toán, tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phối hợp theo dõi để tiếp tục xử lý nhằm hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến rừng ngập mặn", ông Thu nói.
Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đã triển khai dự án
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hải Hiệu, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà cho biết: Dự án hạ tầng nhằm thúc đẩy thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà nhanh chóng trở thành trung tâm khoa học – công nghệ; tạo ra công nghệ cao phục vụ ngành công nghiệp tôm của tỉnh Quảng Ninh cũng như vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành phần đê bao, đến nay đã nhiều năm trôi qua, những phần còn lại của dự án hạ tầng vẫn "án binh bất động".
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngày 13/9/2018, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản; đồng ý giải phóng mặt bằng trên 1,688 triệu m2 đất tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà để thực hiện dự án trong năm 2019-2020 (tuyến đê trị giá trên 122,23 tỷ đồng sẽ bao quanh phần diện tích này - PV).
Đến ngày 29/10/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt dự án hạ tầng này, trong đó yêu cầu xác định rõ diện tích từng loại cần giải phóng, diện tích cần trồng rừng thay thế.
Ngày 26/11/2019, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng dự án hạ tầng, trong đó nêu rõ khu vực này có khoảng 127ha rừng ngập mặn, 33,8ha rừng trồng, 4,35ha đất không có rừng và 13,47ha đất mặt nước…
Sở NN&PTNT tỉnh và đề nghị UBND huyện Đầm Hà có trách nhiệm chỉ đạo phối hợp rà soát ranh giới dự án, đánh giá rõ từng loại rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhất là rừng ngập mặn theo yêu cầu tại quyết định của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh chưa được hoàn thiện thì UBND huyện Đầm Hà đã cho triển khai đầu tư dự án tuyến đê bao trên 122,23 tỷ đồng.
Thực trạng này dẫn đến việc tuyến đê này đã hoàn thành từ lâu, nhưng các hạng mục khác của dự án hạ tầng chưa được triển khai.
Lý giải về vấn đề này, một đại diện BQLDA đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà cho biết: Ngay sau khi có các quyết định của HĐND, UBND tỉnh về đầu tư dự án hạ tầng, UBND huyện đã phối hợp rà soát, đánh giá hiện trạng các loại đất, rừng để xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng.
Hiện nay, phần diện tích đất rừng sản xuất đã được cấp có thẩm quyền của tỉnh và địa phương thông qua. Đối với diện tích rừng ngập mặn đã được hoàn thiện hồ sơ gửi tới các bộ, ngành Trung ương để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích. Còn việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ngập mặn được triển khai song song với quá trình đầu tư dự án đê bao, tuy nhiên, quy trình thực hiện phải qua nhiều bộ ngành trung ương, nên chưa xong.
"Dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện Đầm Hà nói riêng. Chính vì vậy, địa phương rất mong muốn cấp có thẩm quyền sớm cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ngập mặn để hoàn thiện dự án hạ tầng, từ đó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương cũng như tăng thu ngân sách", vị lãnh đạo BQLDA đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận