Khu dân cư Hồng Hà, phường Phương Nam, TP Uông Bí (Quảng Ninh) nằm ngay sát cổng Nhà máy Xi măng Lam Thạch thuộc Công ty CP Xi măng xây dựng Quảng Ninh. Suốt nhiều năm qua, người dân nơi đây sống trong cảnh thấp thỏm bởi hoạt động nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp này.
Cuộc sống người dân đảo lộn vì nổ mìn phá đá
Theo người dân, nhiều vết nứt trong căn nhà là do hoạt động nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp gây ra
Chị Yến, nhà ở khu dân cư Hồng Hà chỉ tay lên mỏm núi đá đang bị khai thác nham nhở nằm cách đường đi chừng vài chục mét cho biết: Cả điểm dân cư có mỗi một con đường độc đạo, thế nhưng mỏ khai thác lại nằm liền kề. Vào giờ bắn mìn, công nhân của doanh nghiệp đứng chốt chặn khiến bà con “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Việc làm này nhằm đảm bảo an toàn cho người đi đường và cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn mỗi ngày, nên bà con cũng chia sẻ được…
Tuy nhiên, những mỏm đá hàng chục, thậm chí hàng trăm khối bị mìn bắn rỗng chân nguy cơ đổ sập xuống bất cứ lúc nào khiến bà con rất lo lắng.
“Thực tế nhiều lần những tảng đá to từ trên núi cao đã lăn xuống đường. May là lúc đó không có ai đi qua, nếu không thì hậu quả rất khó lường”, chị Huệ ở khu dân cư Hồng Hà lo lắng nói.
Tiếp PV trong căn nhà nhà cấp 4 cũ nát, xập xệ, bà Dung, ở khu dân cư Hồng Hà kể: Hơn 30 năm trước, do cuộc sống khó khăn vì thiếu đất canh tác, vợ chồng tôi cùng hơn chục hộ khác kéo về đây khai hoang, vỡ đất hình thành lên điểm dân cư này.
“Vài năm gần đây, do lượng bụi phát tán từ mỏ đá phủ kín khắp mái nhà, nên bà con không dùng được nước này để sinh hoạt nữa. Hiện nay, muốn có nước ăn, bà con phải mua đến 100 nghìn đồng/m3. Doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá khiến cho mặt đất rung chuyển, tường nhà cứ thế nứt toác ra. Vào ngày mưa, nước theo các kẽ nứt cứ thế tuôn đầy vào nhà”, bà Dung nói.
Đá từ sườn núi nơi có hoạt động bắn mìn khai thác đá lăn xuống tuyến đường vào khu dân cư
Dù mới xây được hơn 6 năm nhưng ngôi nhà của ông Phan Văn Thanh ở cuối điểm dân cư cũng đang xuất hiện những vết nứt lạ trên tường, trần nhà sau những đợt doanh nghiệp nổ mìn phá đá.
Hơn 17h chiều, đứa cháu ngoại gần 1 tuổi của ông Phan Văn Thanh đang ngủ ngon trong tay mẹ bỗng giật mình khóc thét vì tiếng mìn nổ làm rung chuyển nhà cửa.
Ông Thanh cho biết: “Hôm nay lượng mìn như này còn ít. Có hôm, cả nhà đang ăn cơm thì mìn nổ khiến nhà rung chuyển dữ dội như động đất, vữa trên tường nhà rơi lả tả vào mâm cơm”.
Chỉ vào vườn vải đang ra quả non, ông Thanh cho hay: Trước đây vải ở vùng này có tiếng là ngon, bán rất được giá. Những năm trước, mỗi vụ gia đình cũng thu nhập được vài trăm triệu đồng. Nhưng từ khi có hoạt động nổ mìn khai thác đá, bụi từ trên núi cao tràn xuống khiến cho cây khó đơm hoa, kết trái, nên sản lượng quả giảm chỉ còn hơn nửa…
Ngoài ra, khu vực này có nhiều ao, đầm nuôi thủy sản, nhưng bụi từ vùng khai thác đá thường xuyên bay phủ kín xuống đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá. Bà con đã nhiều lần kiến nghị doanh nghiệp phải hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do bụi, nhưng đến nay vẫn chưa ai được gì ngoài mấy hộ ở cạnh mỏ đá được đền bù, chuyển đi nơi khác.
Khẩn trương xác định thiệt hại, khắc phục hậu quả
Một số đoạn trên tuyến đường trong khu dân cư xuống cấp lầy lội “như ruộng cày” nên người dân đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ nâng cấp
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó chủ tịch UBND phường Phương Nam, TP Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết: Đến thời điểm này, chính quyền và doanh nghiệp đã nhiều lần đối thoại với người dân để đánh giá tác động của việc bắn mìn, khai thác đá… nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của bà con.
Hiện nay, doanh nghiệp đã đền bù đối với những hộ có công trình tạm nằm ở hành lang an toàn nổ mìn và thực hiện hỗ trợ về môi trường đối với một số hộ bị ảnh hưởng do nổ mìn.
Cùng với đó, doanh nghiệp đã di chuyển khu vực khai thác sang phía Tây Nam của mỏ đá để giảm thiểu tác động đến khu dân cư, đồng thời phun nước hạn chế bụi trước khi nổ mìn.
Theo tài liệu do cơ quan chức năng TP Uông Bí cung cấp: Dự án khai thác mỏ đá vôi Phương Nam ở phường Phương Nam của Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác tháng 11/2016 và được điều chỉnh vào tháng 12/2019.
Nhìn chung, về pháp lý, doanh nghiệp có đầy đủ các thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản, điều kiện nổ mìn phá đá.
Trong quá trình khai thác, doanh nghiệp đã thông báo cụ thể thời gian nổ mìn để bà con có biện pháp tránh, trú, đồng thời bố trí lực lượng cảnh giới khi nổ mìn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua đoạn đường tiếp giáp vùng khai thác.
Nhiều cây vải bị bụi đá phủ kín không thể đơm hoa, kết trái
Cũng theo tài liệu của cơ quan chức năng TP Uông Bí thì toàn bộ đất đai khu vực người dân kiến nghị là đất nông nghiệp khai hoang canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Theo đại diện lãnh đạo UBND TP Uông Bí, hiện doanh nghiệp đang phối hợp khảo sát hiện trường để đánh giá mức độ khói, bụi ra môi trường do hoạt động khai thác đá gây ra ảnh hưởng đến khu vực canh tác để hỗ trợ bà con.
UBND TP Uông Bí cũng đã yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời yêu cầu UBND phường Phương Nam giám sát chặt chẽ quy trình khai thác của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, xử lý những vấn đề phát sinh.
Ông Bùi Văn Thành, Phó chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết: Ngay sau khi nhận được kiến nghị của người dân, UBND thành phố đã chỉ đạo chính quyền phường Phương Nam phối hợp với các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp nhanh chóng vào cuộc để làm việc với bà con.
Tại các buổi làm việc, bà con đã kiến nghị doanh nghiệp nâng cấp, mở đường tránh để bà con đi lại an toàn; hỗ trợ đường cấp nước sinh hoạt và hỗ trợ ảnh hưởng khói bụi do hoạt động nổ mìn gây ra.
“Những kiến nghị của bà con đã được doanh nghiệp tiếp thu, hiện đang đổ đá nâng cấp đường và phối hợp với đơn vị cấp nước khảo sát, thi công đường cấp nước sinh hoạt cho bà con. Đồng thời doanh nghiệp quây tôn phía giáp đường và che lưới chắn bụi, lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi”, ông Thành cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận