Cụ thể, tại Km1+700 thuộc tuyến ĐT585C (huyện Cam Lộ), mặt đường bị hư hỏng, bong bật, phát sinh ổ gà trên diện rộng và một số vị trí trên tuyến với diện tích khoảng 100m2; Km25+750 (ĐT571) bị xói trôi mặt đường với diện tích khoảng 6m2. Một số đoạn trên tuyến ĐT585 cũng bị sạt ta luy dương khiến đất đá tràn lấp mặt đường, rãnh dọc.
Tại huyện Đakrông, Km8+500 QL15D bị sụt ta luy dương với khối lượng khoảng 120m3. Đất, đá trên sườn núi chạy tràn lấp mặt đường một số điểm trên tuyến ĐT588a khoảng 190m3. Đồng thời, xảy ra sạt lở đường giao thông ở huyện Triệu Phong với chiều dài khoảng 400m và kè đường giao thông Xuân Lâm - Thượng Nguyên (huyện Hải Lăng) bị hư hỏng, cuốn trôi.
Đối với huyện Hướng Hóa, mưa lớn đã làm sạt lở nhẹ một số điểm trên tuyến đường Hướng Tân đi Hướng Linh. Tuyến đường từ xã Hướng Linh đi xã Hướng Hiệp cũng bị xói lở, hư hỏng khoảng 9m khiến giao thông chia cắt.
Ngoài ra, nhiều đoạn trên QL49C, ĐT582, ĐT582B, ĐT584 cũng bị ngập từ 5 - 50cm, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc di chuyển và sinh hoạt của người dân.
Riêng huyện Hải Lăng, các phương tiện giao thông không đi lại được trên các trục đường 582; QL49C đoạn qua xã Hải Dương cũng ngập sâu từ 0,4-0,5m. Nhiều tuyến đường liên xã như Hải Thượng - Hải Sơn, Hải Tân - Hải Sơn - Hải Hòa, Hải Ba - Hải Quế, Hải Dương đã ngập.
Các trục đường liên thôn thuộc các xã Hải Lâm, Hải Định, Hải Phong… ngập lụt từ 0,4- 0,6m; đoạn trục thôn 0,2- 0,8m… Cùng với đó, kè đường liên thôn Xuân Lâm - Thượng Nguyên bị sạt lở khoảng 300m. Hiện trên địa bàn huyện này có 975 ngôi nhà bị ngập, chính quyền địa phương đã di dời 148 hộ với 415 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Trong chiều 15/11, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ trên địa bàn huyện Hải Lăng. Tại đây, vị lãnh đạo đề nghị huyện này cần theo dõi sát diễn biến tình hình để có phương án phù hợp và tổ chức di dời các hộ dân ở khu vực sạt lở ven sông, suối, vùng nguy cơ cao về ngập lụt đến nơi an toàn.
Kịp thời hỗ trợ lương thực thực phẩm, nước uống cho người dân, đảm bảo sức khỏe cho người già, trẻ em và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của mưa lũ. Trường hợp cần thiết sẽ cưỡng chế di dời đảm bảo an toàn cho người dân.
Cũng theo ông Đồng, địa phương cần bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, nhất là trên biển, trên sông và các khu vực có nguy cơ bị cô lập, chia cắt. Bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, an toàn hồ đập, các công trình sản xuất…
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi chặt bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt… thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
"Các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, đề phòng các diễn biến bất thường trước, trong và sau mưa lũ. Đồng thời cũng không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân, không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh", ông Đồng chia sẻ.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể anh Lê Đức Hùng (SN 1987, trú tại Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh, Quảng Trị), sau gần hai ngày tìm kiếm.
Anh Hùng mất tích vào tối ngày 13/11, khi đang chèo thuyền đi thả lưới bắt cá tại hồ La Ngà. Sau gần hai ngày nỗ lực tìm kiếm, đến 13h15 ngày 15/11, thi thể người đàn ông này được phát hiện trong lòng hồ.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng và người dân Quảng Trị cũng đang tích cực tìm kiếm anh Hồ Xa Lăng (SN 1985) cùng vợ là Hồ Thị Viên (SN 1986, cùng trú tại thôn Hồ, xã Hướng Sơn). Vào chiều ngày 13/11, hai vợ chồng lên rẫy thăm trại chăn nuôi. Đến tối, cả hai trở về nhưng nước suối Nguồn Rào to nên không qua được nên ngủ lại ở nhà người. Đến 23h đêm 13/11, cặp vợ chồng rời khỏi nhà người quen, mất tích cho đến nay.
Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, mưa lũ trên địa bàn còn khiến 1.309 nhà bị ngập, 1.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 118ha cây ăn quả, rau màu bị ngập úng; 2,35ha diện tích nuôi cá bị thiệt hại…
Bờ sông Hiếu đoạn qua thôn Mộc Đức (Cam Hiếu, Cam Lộ) bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 100m, ăn sâu vào nền đường nhựa liên xã. Nguy cơ sẽ tiếp tục bị sạt lở làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường liên xã và khoảng 30 hộ dân. Địa phương đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua đoạn này.
Ngoài ra, mưa lớn cũng gây ngập lụt cục bộ một số khu vực và tuyến đường, ngầm tràn làm chia cắt giao thông tạm thời. Cụ thể, ở huyện Đakrông có 10 điểm bị ngập lụt từ 0,5-1,5m.
Đối với huyện Hải Lăng, một số điểm khu dân cư và các thôn, xóm vùng thấp trũng, vùng ven sông thuộc xã Hải Phong, xã Hải Định, Hải Chánh, Hải Sơn.... ngập từ 0,2-0,8m; hơn 50 nhà dân bị ngập từ 0,2-0,3m.
Riêng huyện Triệu Phong bị ngập lụt cục bộ một số điểm khu dân cư và các thôn, xóm vùng thấp trũng, vùng ven sông thuộc xã Triệu Ái, Triệu Giang, Triệu Long, Triệu Phước...; nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, ảnh hưởng việc đi lại của người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận