Thời sự

Quốc hội còn nặng nợ với cử tri

24/03/2016, 08:44

Nhiều ĐBQH đã "dốc lòng" giãi bày tâm tư trước những điều mà cả Quốc hội và Chính phủ chưa làm được.

10
Các ĐBQH thảo luận tại phiên họp tổ ngày 23/3

Góp ý kiến vào các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các chức danh lãnh đạo Nhà nước tại phiên họp tổ ngày 23/3, nhiều ĐBQH đã "dốc lòng" giãi bày tâm tư trước những điều mà cả Quốc hội và Chính phủ chưa làm được. 

Trăn trở vì chưa làm đến nơi, đến chốn

Trong ý kiến phát biểu khá dài nhưng thẳng thắn, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chỉ rõ những điều còn chưa làm được như mong muốn. Đó là việc xây dựng và ban hành luật không đi vào thực tiễn. “Ví dụ như Luật quy định tử hình bằng tiêm thuốc độc nhưng đến giờ có thực hiện không? Người ta làm đơn xin được chết, nhưng lại không tử hình được vì không có thuốc. Chúng ta làm luật như thế thì làm sao luật đi vào cuộc sống được. Mà luật không đi vào cuộc sống thì làm luật ra để làm gì?”, ông Nghĩa dẫn chứng.

Về giám sát, có những vấn đề giám sát chặt chẽ được người dân ủng hộ rất mạnh, nhưng còn nhiều vấn đề như giám sát oan sai chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Điển hình như trong báo cáo của Tòa án, Viện Kiểm sát với tỷ lệ các vụ án được xử lý, giải quyết ở mức gần tuyệt đối nhưng thực tế án oan, sai vẫn còn; Nhiều vụ xử xong người dân đi kiện khắp nơi. Cử tri đặt niềm tin vào Quốc hội rất lớn, do đó công tác giám sát cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn, không thể để tình trạng này như cũ.

“Trên nghị trường xuất hiện nhiều ĐBQH chuyên trách không xứng tầm, phát biểu các vấn đề rất chán, không đạt yêu cầu. Quốc hội làm thế này thì còn nhiều nặng nợ với cử tri lắm. Dân đặt niềm tin vào ĐBQH, mong muốn chúng ta thể hiện ý chí, nguyện vọng của họ nhưng chúng ta làm chưa đến nơi, đến chốn. Những điều này Quốc hội khóa XIV phải thay đổi”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá, mỗi ĐBQH đại diện cho gần 200.000 người dân bầu ra mình có trách nhiệm rất lớn. Theo ông Quyền, bài học kinh nghiệm đầu tiên và cũng quan trọng nhất của Quốc hội là công tác nhân sự, cụ thể là làm thế nào để bầu ra được ĐBQH tốt, đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm. “Tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội tôi thấy không có đánh giá nào về hoạt động cụ thể của ĐBQH. ĐBQH làm tốt, trăn trở vì dân, vì nước, nỗ lực cố gắng trong suốt nhiệm kỳ cũng giống như ĐBQH cả kỳ chẳng có hoạt động gì đáng kể, đó là điều làm tôi đau xót, lòng người còn chưa thỏa”, ông Quyền giãi bày và cho rằng, những ĐBQH hoàn thành tốt, ĐBQH chưa hoàn thành nhiệm vụ phải được đánh giá rõ ràng, vì không thể có chuyện 100% ĐBQH đều đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Nhiều ĐB không dám nói vì sợ động chạm

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM nêu thực trạng, có nhiều ĐB không dám nói hết điều muốn nói ở Quốc hội vì sợ động chạm, ảnh hưởng đến địa phương, mỗi khi phát biểu đều phải suy nghĩ được gì, mất gì. “Phát biểu mà còn phải cân nhắc thiệt hơn, được gì, mất gì cho địa phương thì làm sao đòi hỏi sự tranh luận cho thấu đáo đến cùng? Khi nào chưa bỏ được cơ chế xin - cho bao cấp, không phân cấp, phân quyền cho địa phương thì không thể khắc phục được những hạn chế khi thảo luận tình hình KT-XH”, bà Tâm thẳng thắn.

Đề cập đến công tác xây dựng pháp luật, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) khẳng định, Quốc hội phải là người xây dựng luật, chứ giao cho Chính phủ xây dựng luật từ đầu như hiện nay là không ổn. Hiện, Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, nhiều chuyên viên làm luật quá non, không có thực tiễn cuộc sống, nhiều vấn đề được nhìn nhận theo kiểu “không quản được thì cấm” nên luật không hiệu quả, xa rời cuộc sống.

Một thực tế nữa được ĐB nêu ra là khi ra Quốc hội bấm nút thông qua luật, nhiều vấn đề ĐB tranh luận không được tiếp thu, nhiều vấn đề chưa thống nhất nhưng luật vẫn thông qua khiến ĐBQH day dứt, “ăn không ngon, ngủ không yên”.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cũng đánh giá, nhiệm kỳ qua, hoạt động của Quốc hội dân chủ hơn, ĐB được phát biểu ý kiến của mình, không chỉ trong tổ mà ở cả hội trường. Hoạt động Quốc hội hiệu quả, đem được hơi thở cuộc sống vào nghị trường. Tuy nhiên, hoạt động Quốc hội vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. “Quốc hội đã thực sự là cơ quan dân biểu cao nhất của dân chưa? Từng ĐB có dám phản ánh những điều dân tâm tư, có nguyện vọng kiến nghị đến nơi, đến chốn, có đeo bám đến cùng không? Thậm chí, chỉ có “ĐB già mới dám phát biểu”. Đó là chưa nói đến việc có ĐB “đầu còn xanh” nhưng tư duy rất già cỗi, máy móc” .

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.