Thời sự

Quy định chung chung tạo kẽ hở cho cán bộ sách nhiễu

27/03/2018, 08:56

Sáng 26/3, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với Bộ Tư pháp.

6

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Tư pháp sáng 26/3

Cương quyết cắt bỏ các điều kiện kinh doanh

Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt lời của Thủ tướng Chính phủ, khen ngợi Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng đội ngũ cán bộ trong năm qua đã có nhiều đổi mới, giúp Chính phủ, Thủ tướng bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, đặc biệt trong việc quan tâm xây dựng hoàn thiện thể chế, Bộ đã đi đầu, gương mẫu, trách nhiệm…

Trong ba tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định với 18 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 47 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 5 điều ước quốc tế. Cũng trong quý I, Bộ đã phát hiện và kết luận kiểm tra với 20 văn bản trái luật về nội dung. Qua Tổ công tác, Thủ tướng truyền đạt nhiều vấn đề mà tới đây Bộ Tư pháp cần quan tâm.

Liên quan đến công tác quản lý luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, toàn quốc có trên 12.000 luật sư. Qua các phiên tòa xét xử trong nước, qua cách tiếp cận của luật sư đối với từng vụ việc cho thấy đội ngũ luật sư đã lớn mạnh, trưởng thành. Có luật sư sử dụng thành thạo 2, 3 ngoại ngữ, có thể “ngang ngửa” khi làm việc hay đấu trí trong các vụ kiện quốc tế. Tuy nhiên, thực tế có một số ít luật sư vi phạm pháp luật, ngang nhiên bỏ qua các quy tắc đạo đức. “Một số luật sư, dù số ít, có sự tụ tập, lôi kéo bằng cách này hay cách khác, đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm phức tạp hóa tình hình. Đối với những luật sư như vậy, Bộ đang thực hiện chủ trương để có hình thức chấn chỉnh cho nghiêm”, ông Long nói.

Trước hết là quan tâm công tác đào tạo cán bộ kế cận. Tiếp đó, chú trọng công tác thi hành án dân sự khi số vụ việc tồn đọng ngày càng lớn, số vụ việc không có điều kiện thi hành rất nhiều. Thủ tướng yêu cầu Bộ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng, Chính phủ và nếu cần thiết báo cáo cả Quốc hội xem xét, xử lý. Bên cạnh đó, kiểm soát tốt hơn chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù đã phân cấp các bộ, ngành, địa phương nhưng Bộ phải có cái nhìn bao quát hơn, bảo đảm tính khả thi, chỉ ra những bất cập, bảo đảm đúng thẩm quyền…

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý công tác quản lý nhà nước về luật sư, hiện nay ở một số địa phương còn buông lỏng.

Về điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp đang quản lý 98 điều kiện kinh doanh tại 6 luật và 4 nghị định. Bộ trưởng Lê Thành Long đã chỉ đạo rất sát sao, rà soát và đã dự kiến cắt giảm 43/98 điều kiện.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị tiếp tục rà soát, những quy định chồng chéo, chung chung, không lượng hóa được, không cần thiết thì cương quyết bỏ. Bởi, chính những điều kiện kinh doanh không cụ thể, không lượng hóa được sẽ vô tình tạo khoảng trống, kẽ hở cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu. Bộ trưởng cũng nêu rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là “mở toang cửa”, mà vẫn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường…, song việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chính là dư địa tăng trưởng.

Hoàn thành quy hoạch lãnh đạo Bộ Tư pháp 2021 - 2026

Giải trình thêm những vấn đề Tổ công tác đã nêu, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhiệm kỳ này, Bộ đã chuẩn bị sớm công tác nhân sự, thực hiện đúng các chủ trương. “Bộ Tư pháp đã hoàn thành quy hoạch lãnh đạo Bộ. Cụ thể, đã bổ sung nhân sự giai đoạn 2016 - 2021 và quy hoạch nhân sự cho 2021 - 2026 đang được duyệt, chờ quyết định chính thức. Đến nay, phần chuẩn bị, các yêu cầu thủ tục của Đảng đã thực hiện xong, chỉ còn chờ xin ý kiến chính thức”, Bộ trưởng Long thông tin và cho biết thêm, các cán bộ cấp vụ của các đơn vị trực thuộc Bộ và của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ cũng đã chuẩn bị xong, đã phê duyệt hầu hết.

“Quy trình làm kỹ, tinh thần đúng người, có phẩm chất đạo đức, có lập trường chính trị vững vàng, trung thành với Đảng. Đấy là những tiêu chí cứng. Đồng thời, chúng tôi rất chú trọng chọn những người đúng chuyên môn, được đào tạo cơ bản và có ngoại ngữ”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, đội ngũ chuyên gia giỏi cũng là một ưu tiên của Bộ trong suốt thời gian qua. Vì Bộ Tư pháp xác định nghề tư pháp, đặc biệt là xây dựng pháp luật là nghề đóng góp khá âm thầm, kết quả công bố công khai khó lượng hóa nhưng rõ ràng đòi hỏi tầm trí tuệ cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.