Những trường hợp không được vay vốn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, hiệu lực từ ngày 1/9.
Theo đó, các TCTD không được cho vay đối với các nhu cầu vốn sau đây:
Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.
Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.
Thông tư 06 kiểm soát rủi ro nhưng vẫn đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tế.
Để mua vàng miếng; trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại TCTD khác.
Để gửi tiền; thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.
Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm TCTD quyết định cho vay.
Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm TCTD quyết định cho vay.
Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của TCTD theo phương án sử dụng vốn để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó.
NHNN kiểm soát rủi ro nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu
Trước những lo lắng của doanh nghiệp về Thông tư 06, trong thông báo gửi tới báo chí hôm nay, NHNN khẳng định, mục đích của quy định này là nhằm góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế.
Đồng thời, NHNN cho biết, thực tiễn thời gian qua cho thấy TCTD cho vay đối với nhu cầu vốn này trong nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro do:
Thứ nhất, đây là nhu cầu vốn khó kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay do TCTD không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không có cơ sở để đánh giá thường xuyên đối với tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp và đây là một trong những hình thức mà khách hàng có thể sử dụng để che giấu hình thức sở hữu lẫn nhau.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc ban hành Thông tư 06 nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng (Ảnh minh họa).
Thứ hai, về phía khách hàng và việc sử dụng vốn vay: Nguồn trả nợ của khách hàng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền từ chủ đầu tư (hoàn trả vốn góp và lợi tức); giá trị khoản vay khá lớn, khách hàng vay có thể là các doanh nghiệp mới thành lập, không có nguồn trả nợ nào khác, hoặc nếu có nguồn trả nợ khác thì không đáng kể so với số tiền vay vốn.
NHNN cho biết, việc cho khách hàng vay để bù đắp tài chính tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay do khó đánh giá sự phù hợp giữa nhu cầu vay vốn và giá trị tài chính khách hàng đã mượn, tính xác thực của các giao dịch.
Ví dụ như không có hồ sơ, tài liệu đủ tin cậy chứng minh cho phương án vay vốn của khách hàng, nhiều trường hợp cho vay bù đắp nhu cầu phục vụ đời sống như để thanh toán giao dịch phát sinh từ lâu (5 năm, 10 năm trước đây) và chứng từ là giấy tờ viết tay mượn tiền giữa các cá nhân để mua bất động sản/hàng hóa thường với số tiền giá trị khá lớn...
"TCTD khó xác định nguồn tiền mà khách hàng đã ứng trước, không kiểm soát được việc khách hàng sử dụng số tiền được giải ngân cho vay...", NHNN cho biết.
Vì vậy, Thông tư 06 đã bổ sung cho phép TCTD tiếp tục thực hiện cho vay đối với trường hợp này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, qua đó, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận