Thời sự

Quy trách nhiệm người chủ trì soạn thảo luật

31/05/2018, 07:15

Để khắc phục việc nhiều dự án luật kém chất lượng, các ĐBQH đề nghị phải có chế tài xác định trách nhiệm.

4

ĐBQH Dương Minh Tuấn phát biểu thảo luận tại hội trường

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Để khắc phục việc nhiều dự án luật kém chất lượng, các ĐBQH đề nghị phải có chế tài xác định trách nhiệm.

Khắc phục tình trạng luật “nay xin lùi, mai xin rút”

ĐB Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) thẳng thắn nhận định chất lượng của nhiều dự án luật còn rất xa cuộc sống. Có những dự án luật mới đưa ra những dự thảo ban đầu đã nhận được sự phản đối rất quyết liệt và gay gắt. “Có người nói quy định pháp luật trên trời, còn cuộc đời ở dưới đất. Đây là vấn đề phải hết sức quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới để các bộ, ngành cần phải tập trung hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật”, ông Hiểu góp ý.

Để khắc phục tình trạng này, ông Hiểu cho rằng cần xác định trách nhiệm và chế tài. Bởi lâu nay, khi một chính sách pháp luật không đi vào cuộc sống hoặc bị phản ứng thì không xác định được trách nhiệm từ ai hoặc từ cơ quan nào. “Nếu một người thực hiện quy định của pháp luật có hành vi làm trái hay thiếu trách nhiệm gây thiệt hại thì có thể sẽ phải đi tù, thì ở việc tham mưu ban hành chính sách pháp luật không đáp ứng yêu cầu, thậm chí cản trở sự phát triển lại chưa có chế tài”, ông Hiểu đưa ra so sánh và cho rằng như vậy là không công bằng.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng đồng tình việc phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu của cơ quan chủ trì soạn thảo, phải xác định việc được phân công, chủ trì soạn thảo, vì đã làm phải gắn với trách nhiệm. Với các cơ quan được phân công thẩm định, thẩm tra, ngay khâu thẩm định cũng phải xem xét, nếu dự thảo không đảm bảo thì kiên quyết dừng lại.

Băn khoăn trước việc một số dự án luật “nay xin rút, mai xin lùi” có xu hướng ngày càng gia tăng, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) kiến nghị phải tăng cường kỷ luật mạnh mẽ hơn.

Giải trình làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận hạn chế như các ĐBQH nêu về tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật, một thời gian dài chúng ta chưa xử lý được. Hay như việc trình chậm, hồ sơ chưa đầy đủ, có những dự án chỉ trình trước phiên thẩm tra của Thường vụ Quốc hội hai ba ngày, chất lượng dự án chưa bảo đảm.

Kiến nghị sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008

Đề cập đến lĩnh vực giao thông, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nêu ra hàng loạt vấn đề cho thấy sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Dẫn số liệu của Chính phủ về trật tự ATGT năm 2017, cả 3 tiêu chí về TNGT, số người chết, người bị thương đều giảm, ông Cảnh nhấn mạnh sự nỗ lực trong đảm bảo ATGT của Chính phủ và các bộ, ngành. Tuy nhiên, theo ông, hậu quả các vụ TNGT để lại là hết sức nặng nề. “Không có luật nào tác động đến người dân thường xuyên liên tục như Luật Giao thông đường bộ, vì từ sáng sớm ra đường đến tối mịt về nhà chúng ta liên tục thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Chỉ một chút sơ suất, thiếu hiểu biết hay không chấp hành có thể để lại hậu quả nặng nề cho bản thân và gia đình”, ĐB Cảnh nói.

Theo ĐB tỉnh Bình Định, việc xem xét đưa Luật Giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 là hợp lý, để làm sao số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương phải ngày càng giảm và giảm nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó, ông Cảnh cho rằng hiện nay hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông xuất hiện nhiều yếu tố mới, có thêm nhiều đường cao tốc, đường giao cắt đồng mức, làn đường có nhiều phương tiện cùng lưu thông, trong đó có các phương tiện mới nên cũng phát sinh nhiều bất cập, vì thế, cần sớm sửa đổi luật.

Đồng tình, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, luật này có tác động rất lớn đối với xã hội nhưng các hoạt động trong lĩnh vực này tính pháp lý cao nhất hiện nay đều ở dạng dưới luật. Điển hình như về hoạt động của loại hình Uber, Grab thời gian qua hay một số phương tiện mới chưa được quy định trong Luật. Ngoài ra, dù TNGT được giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn nhiều tai nạn nguy hiểm, nghiêm trọng, trong đó nhiều lỗi là do xe đầu kéo, do tài xế ngủ gật... nên luật cần có quy định về thời gian lái xe hay phân tích thêm có cần điều chỉnh hoạt động của những phương tiện tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cao...

Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Chính phủ và Bộ Tư pháp ý thức rất rõ về những vấn đề đặt ra đối với công tác lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đã đề ra một số giải pháp. Trước hết là chủ động rà soát các nguồn ngay từ đầu; phân công và triển khai sớm công việc chuẩn bị, đồng thời tăng cường trách nhiệm của những người đứng đầu, Bộ trưởng của các bộ, ngành.

Nhắc đến trách nhiệm của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, nhiệm kỳ này Quốc hội đã có nhiều đổi mới, không ngồi chờ Chính phủ trình rồi mới xét mà luôn chủ động đôn đốc. Bên cạnh đó, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động, luôn xem xét kỹ các vấn đề trước khi đưa ra trình Quốc hội, không trình các vấn đề mà Thường vụ Quốc hội cảm thấy ý kiến còn khác nhau, cho nên mới có chuyện lùi, rút.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.