Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp điều hành giá |
Theo Phó Thủ tướng, trong gần 2 tháng qua, tình hình giá cả một số mặt hàng như: Dầu, thịt lợn, lương thực, gas đã tăng, cùng với các diễn biến phức tạp của thị trường thế giới đã “tạo áp lực hơn trước rất nhiều đối với nhiệm vụ điều hành giá cả”.
Đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã chỉ đạo EVN triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất để giữ giá bán lẻ điện bình quân hiện nay, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong sử dụng hiệu quả, hài hòa Quỹ Bình ổn xăng dầu.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thông tin, các trạm BOT đã cơ bản hoàn thành điều chỉnh giá dịch vụ đường bộ theo chỉ đạo của Chính phủ là “ưu tiên giảm phí hơn giảm thời gian thu phí”, giá dịch vụ cảng biển, hàng không cơ bản ổn định và sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, Bộ GTVT khuyến khích kết nối các loại hình vận tải để tránh sức ép sang đường bộ. Ngoài ra, Thứ trưởng Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ triển khai thu phí không dừng tại 2 làn hai chiều và 1 làn hỗn hợp ở 78 trạm BOT vào cuối năm 2018 và hết năm 2019 sẽ đưa tất cả các làn thành thu phí không dừng, bảo đảm giảm chi phí nhân công của các trạm BOT.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ giữ ổn định mức giá đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh giảm giá đối với các mặt hàng có khả năng giảm (thuốc chữa bệnh, vật tư y tế); tiếp tục rà soát các trạm BOT đã quyết toán để giảm giá phí dịch vụ đường bộ.
Đối với các mặt hàng đã thực hiện cơ chế giá theo cơ chế thị trường, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước hài hòa, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn với liều lượng thích hợp, tạo dư địa thuận lợi cho kiểm soát mặt bằng giá cả năm.
*Sáng 29/5, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước. Tháng 5 cũng là tháng có CPI tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
9 trong tổng số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ ghi nhận chỉ số giá tăng so với tháng trước. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất (1,72%), chủ yếu là do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu ngày 8 và 23/5 vừa qua. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%. Trong đó, lương thực tăng 0,03% do giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước và giá thực phẩm tăng 1,2% do giá thịt lợn hơi tăng mạnh 5,85%.
Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận