Việc Ủy ban Thường vụ vừa cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong Luật Môi trường sửa đổi, trong đó có việc phân loại, xử lý rác nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Lần đầu tiên, những cán bộ quan trọng trong công tác lập pháp bày tỏ quan điểm và gợi mở cách xử lý về “vấn nạn” rác.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác.
Bộ trưởng Bộ TN&MT hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.
Về lộ trình thực hiện, UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 1/1/2025.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, người xả rác công nghiệp phải trả tiền cho đơn vị thu gom, xử lý còn rác thải sinh hoạt có khả năng tái chế thì Nhà nước cần mua lại để khuyến khích người dân phân loại rác đúng quy định.
Ý tưởng này rất hay và cần sớm nghiên cứu để triển khai thay vì chờ đợi 5 năm nữa lại áp dụng phương thức rất cũ như đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi.
Hà Nội đã nhiều lần phát động người dân phân loại rác nhưng đến khâu xử lý lại làm chung khiến chương trình đổ bể. Hà Nội lâu nay luôn nơm nớp lo sợ các bãi rác quá tải bởi lượng rác không thể tái chế quá lớn.
Người dân cũng không hồ hởi khi không có thùng đựng rác riêng cho từng loại trong bối cảnh nhà cửa ở đô thị rất chật chội.
Việc “bán” được rác có thể là khâu đột phá trong chiến lược xử lý vấn nạn bức xúc gây ô nhiễm môi trường. Khi người dân chấp nhận nộp phí môi trường cho rác không thể tái chế, họ có thể sẽ giảm bớt được gánh nặng này bằng cách phân loại rác và bán lại rác có thể tái chế theo đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận