Trao đổi với PV Báo Giao thông trưa 6/8, một lãnh đạo UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) cho biết: Hiện khối phao xốp, vật liệu nổi từ đâu trôi dạt vây kín vùng biển của địa phương sau cơn mưa lớn.
"Trên địa bàn huyện, ngư dân không nuôi trồng thủy sản bằng phao xốp. Không hiểu từ đâu, rác thải phao xốp, vật liệu nổi lại trôi dạt, bủa vây kín các bãi biển trên địa bàn, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường", vị lãnh đạo lo lắng.
Phao xốp, vật liệu nổi từ đâu bất ngờ trôi dạt, bủa vây bãi biển Tình yêu của huyện Cô Tô.
Theo thông tin của vị lãnh đạo UBND huyện Cô Tô thì sáng 6/8, sau đợt sóng to và gió lớn, các bãi biển trên địa bàn huyện, nhất là khu vực bãi biển Tình yêu giáp ranh giữa thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến bất ngờ xuất hiện phao xốp, vật liệu nổi phủ kín, dày đặc, kéo dài khoảng 7km.
Đáng nói, ngày 4/8, bãi biển Tình yêu của huyện Cô Tô đã được làm sạch bởi nhiều người dân, du khách để góp phần thực hiện đề án "Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa". Đề án nhằm nâng cao nhận thức người dân bản địa và du khách hạn chế sử dụng rác thải nhựa, không xả rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng, chỉ sau hai ngày làm sạch, bãi biển này lại bị bủa vây bởi phao xốp, vật liệu nổi phục vụ nuôi thủy sản từ khu vực khác trôi dạt ra.
Du khách, người dân huyện Cô Tô thu dọn sạch phao xốp, rác thải tại bãi biển Tình yêu ngày 4/8.
Được biết, cuối tháng 3, các địa phương ven biển của Quảng Ninh như TP Hạ Long, Cẩm Phả, TX Quảng Yên, huyện Vân Đồn… đồng loạt ra quân di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép và thực hiện chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa thân thiện với môi trường tại các bè nuôi thủy sản trên biển.
Tuy nhiên, có thể quá trình tháo dỡ, chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa chưa được kiểm soát chặt chẽ, nên nhiều người dân tự phát cắt dây khiến các phao xốp, vật liệu nổi trôi tự do trên biển, theo dòng nước và thủy triều dạt ra vùng biển Cô Tô.
Ngay sau khi phát hiện tình trạng phao xốp, rác thải nhựa trôi dạt phủ kín các bãi biển, huyện Cô Tô đã chỉ đạo cán bộ, nhân dân thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến, Công ty Môi trường đô thị, các trường học huy động toàn lực chủ động, khẩn trương thu gom, xử lý phao xốp, vật liệu nổi tràn vào bãi biển.
Sáng 6/8, bãi biển Tình yêu bất ngờ bị phao xốp, vật liệu nổi bủa vây kín.
Du khách đến với Cô Tô là vì nơi đây có nhiều bãi biển sạch, trong xanh, có không gian nghỉ dưỡng hoang sơ và tự nhiên… 6 tháng đầu năm nay, đã có gần 16 vạn du khách đến Cô Tô, bằng 154,29% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 1.124 lượt khách nước ngoài, bằng 216,99% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ du lịch đạt gần 399 tỷ đồng, bằng 154,38% so với cùng kỳ.
Do đó, việc rác thải từ phao xốp, vật liệu nổi nuôi trồng thủy sản trôi dạt bủa vây vùng biển của đảo sẽ có nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái để phát triển du lịch của địa phương.
Rác phao xốp, vật liệu nổi bủa vây đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái biển của huyện đảo Cô Tô.
"Chính quyền huyện Cô Tô kiến nghị các địa phương lân cận đang thực hiện chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa trong nuôi trồng thủy sản cần có biện pháp căn cơ khi tháo dỡ, thay thế nhằm hạn chế thấp nhất rác thải trôi nổi, ảnh hưởng đến môi trường biển của Quảng Ninh nói chung, huyện Cô Tô nói riêng", vị lãnh đạo UBND huyện Cô Tô kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận