Lừa đảo người thất nghiệp, chiếm đoạt tiền đặt cọc
Báo Giao thông mới đây nhận được phản ánh của chị Đỗ Uyên (Ba Đình) về chiêu trò lừa giao việc tại nhà để chiếm tiền đặt cọc của người đi tìm việc làm.
Chị Uyên cho biết, qua mạng xã hội Facebook, chị tình cờ đọc được tin tuyển nhân viên gấp hộp son tại nhà của tài khoản mang tên Nguyễn Thị Kim Anh. Theo đó, người lao động sẽ được trả thù lao theo sản phẩm: Nếu gấp được 1.000 hộp đựng son sẽ nhận thu nhập 6 triệu đồng; gấp 2.000 hộp thu nhập 12 triệu đồng. Tuy nhiên, điều kiện để được "tuyển dụng" là phải đặt cọc tương ứng với số lượng vỏ hộp mang về, lần lượt là 600 nghìn và 1 triệu đồng.
Tài khoản giả mạo công ty uy tín để dụ người tìm việc chuyển tiền cọc
Để tạo sự tin tưởng cho chị Uyên, tài khoản Fecebook này gửi hàng loạt các thông tin về doanh nghiệp như: Lịch sử phát triển của công ty, địa chỉ, mã số thuế, các tin nhắn phản hồi được cho là những người làm trước... kèm theo ưu đãi: Nếu đóng thêm tiền cọc từ 1 triệu lên 1,4 triệu sẽ được tăng thêm thu nhập 2 triệu đồng nữa.
Dựa trên các thông tin được cung cấp, chị Uyên tìm đến địa chỉ "công ty" như lời giới thiệu thì mới biết đây là địa chỉ của một doanh nghiệp khác, hoàn toàn không liên quan gì đến việc tuyển dụng người gấp vỏ hộp.
"Trong quá trình trao đổi trước đó, họ luôn giục chuyển tiền cọc. May mà nhà mình lại tình cờ gần địa chỉ "công ty". Khi tìm đến, chị H. giám đốc công ty này cũng "ngã ngửa" khi biết tên tuổi doanh nghiệp mình đang bị mạo danh để lừa đảo. Mình liên hệ lại với tài khoản Facebook kia thì đã bị chặn", chị Uyên cho hay.
Từ thông tin chị Uyên cung cấp, PV Báo Giao thông đã vào vai người tìm việc làm tại nhà, liên hệ với tài khoản Facebook Nguyễn Thị Kim Anh. Qua trao đổi, PV cũng được "mồi chài" nộp tiền cọc "đúng bài" như đã áp dụng với chị Uyên. Nhưng khi PV yêu cầu cung cấp thêm thông tin như đăng ký kinh doanh, mẫu hợp đồng... thì lập tức bị chặn tương tác.
Tương tự, chị T., (Hà Nội) đã bị lừa mất 500.000 đồng khi tham gia tuyển dụng dưới hình thức đào tạo khoá học.
Chị T., cho biết, qua tìm hiểu, chị thấy một website thông báo bán khoá học với giá 495.000 đồng. Ưu đãi của khoá học, sẽ có việc làm ngay tại nhà. Công việc chính là cắt ghép bài viết và mời bạn bè của chị tham gia khoá học. Mức thù lao được trả trên lượt tin đăng từ 5.000 - 20.000 đồng/tin.
Nhưng sau hơn nửa tháng "hành nghề", chị chỉ nhận vỏn vẹn 50.000 đồng với lý do “bài viết không đáp ứng yêu cầu”. Ngoài ra không có giải thích hay hướng dẫn gì thêm.
Đây chỉ là một trong nhiều thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng để chiếm tiền đặt cọc của người đi tìm việc rộ lên thời gian qua, đánh trúng nhu cầu nhiều người cần việc làm tại nhà, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Theo ghi nhận của PV, một trong các đặc điểm chung của những đối tượng lừa đảo (qua mạng xã hội facebook) là không có số điện thoại rõ ràng, phải nhắn tin riêng quan hộp thoại tin nhắn mới được cung cấp thông tin. Trong quá trình trao đổi tung ra một số ưu đãi hấp dẫn để thúc giục người tìm việc làm chuyển tiền song lại từ chối những cuộc gặp trực tiếp... Ngoài ra, khoản tiền lừa đảo thường có giá trị không quá lớn (trên dưới 1 triệu đồng), nên nhiều người bị lừa đảo cũng có tâm lý "tặc lưỡi bỏ qua" thay vì tìm cách tố giác hành vi phạm tội.
Lừa đảo có thể bị phạt tù tới 3 năm
Trước chiêu lừa đảo tuyển dụng lao động, việc làm để chiếm đoạt tiền này, TS. Cao Xuân Liễu, Trưởng Phòng Đào tạo của Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ: Thiên tai, dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Đáng lẽ ra, trong lúc hoạn nạn như vậy, con người càng nên sống cộng sinh, giúp đỡ chia bùi sẻ ngọt để cùng nhau đi qua khó khăn, nhưng thực tế, vẫn không ít đối tượng đi ngược với giá trị tốt đẹp ấy.
"Việc lường gạt nhau bất kể thông qua hình thức, phương tiện, giá trị nào đều không thể chấp nhận được, nhất là đúng lúc thiên tai, dịch bệnh như này. Pháp luật nên có những quy định, chế tài nghiêm khắc trừng phạt những người lừa đảo nói chung và sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo nói riêng. Đồng thời, người dân cũng tự mình nâng cao kiến thức, trình độ về công nghệ để tránh rơi vào những bẫy lừa đảo”, TS Cao Xuân Liễu nói.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trịnh Anh Dũng – Văn phòng Luật sư Trịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vừa qua rộ rất nhiều hình thức lừa đảo online như: Mạo danh cán bộ công an, nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp số tài khoản; giả là người nước ngoài làm quen, kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội, ngỏ ý muốn tặng quà hoặc nhờ giữ giúp số tiền lớn, sau đó giả danh nhân viên Hải quan, An ninh yêu cầu nạn nhân nộp tiền phí hoặc tiền thuế, tiền phạt qua một tài khoản chúng cho sẵn rồi chiếm đoạt.
Một kiểu lừa khác là đối tượng giả các trang bán hàng online để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc mua hàng rồi chiếm đoạt tiền, không chuyển trả hàng như đã cam kết. Một số trường hợp bị đối tượng hack facebook, zalo…, chiếm quyền sử dụng rồi mượn tiền người quen rồi chiếm đoạt, vv...
Theo Luật sư Dũng, hành vi chiếm đoạt tài sản (qua hình thức online) có thể bị xem xét xử lý về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hình phạt: "Cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm". Người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bị hại có quyền gửi đơn đến cơ quan Công an nơi đặt trụ sở của Ngân hàng (chi nhánh ngân hàng) mình mở tài khoản đế khiếu nại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận