Cho vay vốn cầm cố bằng sổ tiết kiệm tưởng như chỉ là hoạt động tín dụng bình thường nhưng đằng sau đó lại là hàng loạt vấn đề gây rủi ro cho chính ngân hàng và cả hệ thống.
“Lỏng tay” với khách hàng
Trên hệ thống ngân hàng Bản Việt đang thực hiện chương trình “Tiết kiệm 39+ ưu việt”. Để thu hút khách hàng, ngoài lãi suất hấp dẫn ngân hàng còn đưa ra hàng loạt ưu đãi trong đó khách hàng được chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm cho người khác và được cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn hoặc bảo lãnh cho người thứ ba vay vốn tại Bản Việt. Hay chương trình “Tiết kiệm An Phúc” được SHB triển khai từ 23/5, khách hàng cũng được hưởng nhiều ưu đãi trong đó có quyền lợi được cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn theo quy định của SHB.
Một ngân hàng khác là Việt Á hiện cũng cho phép khách hàng cầm cố sổ/thẻ tiết kiệm để vay vốn hoặc bảo lãnh cho người thứ ba vay vốn tại VietABank với nhiều sản phẩm huy động tiền gửi truyền thống.
Không chỉ Bản Việt, SHB hay Việt Á mà còn nhiều ngân hàng cũng đang cho phép khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn.
Chị H. là nhân viên tại chi nhánh Thanh Xuân của một ngân hàng tầm trung cho biết, khách hàng đến gửi tiền tại đây nhưng nếu có nhu cầu cần tiền gấp phải rút sổ trước vài ngày thì sẽ được tư vấn là dùng chính sổ tiết kiệm đó để cầm cố vay tiền. Khi đến hạn ngân hàng sẽ tất toán cả sổ và nợ, khách hàng sẽ vẫn được hưởng lãi suất đến hết kỳ và không bị phạt rút trước hạn. “Như vậy lợi cả đôi bên”, chị H. nói.
Giám đốc một ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh cũng chia sẻ, với khách hàng, nhất là trường hợp đã có quan hệ giao dịch, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ cho vay bằng cách cầm cố sổ tiết kiệm. Ông này cho rằng, ngân hàng đã nắm được thông tin qua những lần giao dịch trước, lại đang có tiền gửi tiết kiệm nên được xếp vào nhóm khách hàng an toàn khi có sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo là sổ tiết kiệm cũng được coi là loại tài sản dễ xử lý nhất, không cần phải thẩm định hay mang đấu giá. Việc cho vay qua cầm cố sổ tiết kiệm cũng ít để lại nợ xấu hơn. Do đó, một số ngân hàng có xu hướng “lỏng tay” với khách hàng vay vốn qua hình thức này.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm là hoạt động cho vay bình thường. “Khi khách hàng đã gửi tiền tại ngân hàng và mang sổ tới để vay vốn thì ngân hàng khó mà từ chối được”, ông Hiếu nói.
Rủi ro về thanh khoản
Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cảnh báo việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay. Qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định.
Tuy vậy, ông Hiếu cũng cho biết các ngân hàng trên thế giới rất hạn chế hình thức cho vay trên vì mức độ rủi ro khá lớn. Rủi ro ở đây không phải mất vốn nợ xấu mà là rủi ro về thanh khoản.
Ông Hiếu ví dụ, khi ngân hàng mở sổ tiết kiệm 10 tỷ đồng thì ngay lập tức ngân hàng có 10 tỷ đó để cho vay và thường giải ngân ngay (thường là) 80% khoảng vốn nói trên. Tuy nhiên, nếu khách hàng đó lại vay vốn bằng chính sổ tiết kiệm đó thì lúc này tiền “vào” chỉ có 10 tỷ đồng nhưng tiền “ra” lại lên tới ít nhất 16 tỷ đồng.
Nếu ngân hàng nào “lỏng tay” thì số tiền cho vay có thể lên tới sát 20 tỷ đồng. Tỷ lệ dư nợ cho vay lúc này không phải 80% như quy định của Ngân hàng Nhà nước nữa mà nếu cực đoan thì lên tới 200% so với khoản huy động được. Nếu nhiều ngân hàng cùng thực hiện sẽ tạo rủi ro thanh khoản cho cả hệ thống. Các ngân hàng sẽ thiếu hụt tiền và buộc phải bù đắp bằng cách huy động thêm tiền. Để huy động được tiền, cạnh tranh với các ngân hàng khác thì phải nâng lãi suất huy động lên cao hơn.
Không những vậy, do yêu cầu của quy định về tăng vốn nên dẫn tới hiện tượng ngân hàng muốn đẩy tổng tài sản lên cao hơn bằng cách cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Biện pháp kỹ thuật bút toán này cũng được nhiều ngân hàng đẩy mạnh vào dịp cuối năm nhằm làm đẹp báo cáo sổ sách để xin chỉ tiêu tín dụng cao hơn vào năm sau. “Cách này không tạo ra sự lành mạnh trong hệ thống ngân hàng”, ông Hiếu nói và gọi đó là “tín dụng ma”.
Tuy nhiên, còn một hậu quả nguy hiểm là nó tạo kẽ hở để lợi dụng rút ruột ngân hàng. Như Báo Giao thông đã đưa tin hồi đầu năm nay, vụ việc khách hàng câu kết với nhân viên ngân hàng lừa đảo tại ngân hàng Việt Á và 3 ngân hàng khác gây thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng tại Việt Á, nhóm đối tượng Nguyễn Thị Hà Thành (hiện đã bị khởi tố, bắt giam) đã mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu nhưng ngay sau đó đã vay cầm cố bằng chính các sổ tiết kiệm này. Giao dịch được “thực hiện trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau với số tiền vay từ 95% đến 98,5% giá trị sổ và việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng nêu trên.
Hay trước đó, trong đại án Phạm Công Danh tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Phạm Công Danh đã cầm cố một số dư tiền gửi lớn của VNCB tại các ngân hàng khác, bảo lãnh cho các khoản vay của các công ty nằm trong liên minh của mình. Khi đến hạn, các công ty con này không có tiền trả, các ngân hàng thì thu nợ bằng số tiền cầm cố khiến chính VNCB bị thiệt hại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận