Hành tinh xanh sẽ bị bao vây bởi hàng nghìn vật thể trong vài năm nữa khi SpaceX- tên gọi tắt của Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk và nhiều đối thủ khác trên toàn thế giới đang có kế hoạch phóng hàng nghìn vệ tinh lên quỹ đạo tầm thấp của trái đất. Song song với những tham vọng này là rất nhiều cảnh báo rủi ro ô nhiễm, va chạm trong vũ trụ.
Quỹ đạo tầm thấp đang chật cứng
Năm 1957, một vệ tinh hình quả bóng mang tên Sputnik được phóng lên bầu trời, xuyên qua ranh giới vô hình giữa trái đất và không gian vũ trụ. Khi Sputnik bay vòng quanh hành tinh xanh, nó đã vô hình đưa lịch sử thế giới sang một trang mới trước sự ngạc nhiên và trầm trồ của người dân toàn cầu.
Từ đó đến nay, chúng ta không còn quá ngạc nhiên với vệ tinh. Đã có hàng nghìn thiết bị như Sputnik được phóng vào vũ trụ. Thay vì chiếm chỗ trên trang nhất của báo chí thế giới, vệ tinh dần trở thành công nghệ của đời sống, liên quan mật thiết tới rất nhiều nhu cầu sinh hoạt cơ bản thường nhật.
Cũng chính vì sự hữu dụng, những vệ tinh nhân tạo đang được phóng lên vũ trụ ngày càng nhiều, với mật độ dày hơn mỗi năm và hình thành nên một bộ khung bao quanh trái đất.
Vụ phóng mới nhất đến từ SpaceX - công ty của Mỹ đã phóng một loạt 60 vệ tinh vào quỹ đạo chỉ trong tối 23/5 vừa qua, bằng tên lửa Falcon 9. Đây là lượt phóng đầu tiên trong dự án Starlink cung cấp internet tốc độ cao trên khắp thế giới thông qua hệ thống 12 nghìn vệ tinh rải khắp quỹ đạo của trái đất.
Khi đi vào quỹ đạo, các vệ tinh sẽ chia nhau ra như “chia cỗ bài trên bàn”, mở các tấm pin năng lượng để hấp thụ ánh sáng mặt trời dùng làm năng lượng - theo mô tả của ông chủ Space X Elon Musk.
Tỷ phú Musk cho biết, dự án Starlink sẽ cung cấp dịch vụ internet thuận tiện và đáng tin cậy cho khắp thế giới. “Tôi không hề ngạc nhiên nếu SpaceX có thể phóng ít nhất 1.000 đến 2.000 vệ tinh/năm”, ông Musk nói.
Tuy nhiên, hiện tại trên quỹ đạo tầm thấp đã có quá nhiều vệ tinh, ước tính khoảng 5.000 thiết bị nhân tạo này vây xung quanh trái đất và chỉ khoảng 2.000 vệ tinh đang hoạt động.
Gần một nửa số vệ tinh thuộc về nước Mỹ, số còn lại do Trung Quốc và Nga phóng lên. Nhưng không dừng ở đó, tỷ phú Elon Musk tuyên bố: “Tôi nghĩ, trong 1,5 năm hoặc có thể là 2 năm, nếu mọi việc thuận lợi, SpaceX có thể có số vệ tinh trên quỹ đạo nhiều hơn tổng cộng số vệ tinh của tất cả các nước khác cộng lại”.
Ngoài ông Musk, rất nhiều tỷ phú doanh nhân khác cũng muốn chơi lớn với một vệ tinh internet của riêng mình. Tỷ phú Jeff Bezos muốn phóng hàng nghìn vệ tinh thông qua một chương trình của Amazon; Greg Wyler, người đứng đầu OneWeb đã triển khai 6 vệ tinh đầu tiên vào tháng 2 vừa rồi.
Khi các tỷ phú hoàn thành tham vọng, internet sẽ được kết nối tới gần một nửa dân số thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vùng sâu, vùng xa còn chưa biết đến mạng, qua đó, giúp phát triển kinh tế, cải thiện giao thương không biên giới.
Rủi ro ô nhiễm, va chạm trong vũ trụ
Tuy nhiên, trước những tham vọng vươn ra vũ trụ của các tỷ phú và nhiều quốc gia, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) cùng một số tổ chức… khá lo ngại về môi trường và sự an toàn trái đất.
Một nghiên cứu từ NASA được thực hiện năm ngoái ước tính, trong vài năm tới sẽ có tổng cộng 6.700-8.300 vệ tinh được đưa thêm vào quỹ đạo tầm thấp của trái đất. Trong khi đó, mỗi thiết bị nặng khoảng 150 kg đến 300 kg, sẽ hoạt động trong khoảng 5 năm trên quỹ đạo.
Với ước tính này, nhóm nghiên cứu của NASA khuyên rằng, mỗi 100 vệ tinh thì có tới 99 vệ tinh cần được đưa ra khỏi quỹ đạo ngay khi chúng hoàn thành nhiệm vụ. Các công ty khai thác cần xác định thời gian phù hợp nhằm hạ thấp độ cao của vệ tinh để thiết bị này bị trọng lực trái đất hấp dẫn, hút xuống và bốc cháy trong khi hạ thấp qua bầu khí quyển.
Nếu không, số vụ va chạm trong không gian vũ trụ sẽ lên tới con số 260 trong hơn 200 năm tới. Trong trường hợp 99% vệ tinh được hạ xuống đúng lúc thì chỉ có 34 vụ xảy ra trong cùng kỳ.
Một số nhóm bảo vệ môi trường cảnh báo, quỹ đạo ngày càng đông đúc càng làm tăng nguy cơ va chạm, tạo ra nhiều rác trôi nổi.
Nếu toàn bộ hạ tầng vệ tinh bị sập, gián đoạn sẽ xảy ra trên khắp toàn cầu. Một số chuyên gia cho rằng, quỹ đạo chật cứng có thể cản trở các tàu không gian vũ trụ rời khỏi trái đất. Hơn nữa, “môi trường không gian rất khó làm sạch”, Lisa Ruth Rand, nhà lịch sử chuyên nghiên cứu về rác thải quỹ đạo cho biết.
“Việc khắc phục thiệt hại sau một thảm hoạ trên trái đất (chẳng hạn như rò rỉ và loang dầu) đã rất khó khăn thì hãy tưởng tượng việc phải dọn dẹp sau thảm hoạ trên môi trường vi trọng lực còn khó đến mức nào”, bà Lisa nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận