Chuyển thể thành công sách ngoại văn vẫn là việc làm không dễ với dịch giả Việt Nam nhiều năm nay |
Sách “bom tấn” cũng dịch sai
Hơn một năm sau sự kiện Công ty phát hành sách Alphabooks phải công khai thu hồi và xin lỗi về những sai sót trong khâu dịch thuật, ấn hành cuốn sách Xứ Đông Dương, một sản phẩm khác của Công ty CP sách Omega Việt Nam, anh em với Alphabooks, lại gây xôn xao trong cộng đồng yêu văn hóa đọc. Cuốn Sapiens: Lược sử loài người của tác giả Yuval Noah Harari (dịch giả Nguyễn Thuỷ Chung) ra mắt trong tư thế “bom tấn” đổ bộ làng sách Việt cuối tháng 7/2017. Nhưng chưa kịp nổ, quả bom đã gặp những phản hồi tới tấp về chất lượng dịch thuật. Cộng đồng đọc sách tinh hoa, group Facebook hơn 19.000 thành viên được gây dựng bởi chính Alphabooks là những người đầu tiên nhặt sạn cho cuốn sách này.
Cụ thể, dịch giả Nguyễn Việt Long chỉ ra một loạt sạn của cuốn Sapiens: Lược sử loài người. Ở chương đầu tiên, ngay từ đề mục “A Race of Cooks” (một chủng tộc người biết nấu đồ ăn) lại bị dịch thành “Cuộc chạy đua của những người đầu bếp”, nhầm lẫn các nghĩa khác nhau của từ “Race”. “Green Monkeys” vốn chỉ giống khỉ Chlorocebus có chỏm lông đầu màu xanh - mặt đen, được dịch giả biến thành loài mới có hình dạng hoàn toàn khác chưa từng nghe “khỉ mặt xanh”. “Book of Genesis” bị dịch thành “kinh Cựu Ước” trong khi thực chất đây là “sách Sáng Thế”. Chương viết về tôn giáo, nhiều cụm từ gốc “Catholic” bị dịch thẳng thành “Thiên chúa giáo”, trong khi đúng ra phải là “Công giáo”. Tai hại nhất có thể nhắc tới lỗi dịch ẩu ở trang 260 “the ninety-nine names of Gods” (99 danh xưng của thần linh) bị dịch một cách ngớ ngẩn thành “cầu nguyện tên 99 vị thần linh”. Sự chuyển nghĩa thô thiển này mâu thuẫn trực tiếp với nội dung, bởi đối tượng cầu nguyện là tín đồ Hồi giáo, vốn tôn thờ thuyết độc thần.
Từ chuyện nhặt sạn của Sapiens: Lược sử loài người, nhen nhóm vấn đề về khoảng trống kiến thức của dịch giả, hay biên tập viên để xử lý các tác phẩm khoa học lịch sử phức tạp, nhiều kiến thức chuyên môn. Dễ dàng kể ra thêm các trường hợp như cuốn Liên minh sai lầm: Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam (tác giả Edward Miller, dịch giả Minh Thu - Trọng Minh - Kim Thoa, NXB Chính trị quốc gia), theo dịch giả Nguyễn Việt Long, chứa nhiều sạn dịch thuật đáng tiếc như: “His compatriots” (đồng bào, chung dân tộc) trang 35 lại được dịch thành “chí sĩ yêu nước”; “State of Vietnam” (Quốc gia Việt Nam) bị dịch thành “Việt Nam Cộng hòa”, Prince Cuong De được dịch là Thái tử Cường Để, trong khi nhân vật lịch sử này vốn là một Hoàng thân. Cuốn Vùng đất Nam bộ dưới triều vua Minh Mạng (tác giả Choi Byung Wook, nhóm dịch giả Nguyễn Thừa Hỷ, NXB Thế Giới) dịch “The Gia Định Government” (Chính quyền Gia Định) thành “Gia Định thành tổng trấn”, dịch “Chinese exploitation of the Vietnamese” (sự bóc lột của người Hoa với người Việt) tréo ngoe thành “người Việt bóc lột người Hoa”... Gần đây nhất, ngay cả ấn phẩm Sách giáo khoa Toán Song ngữ lớp 6 do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành cũng bị GS. Nguyễn Tiến Dũng - Viện toán Tolouse bắt lỗi khi dịch cụm thuật ngữ “Khái niệm tập hợp” được dịch thành “Conception of sets”, trong khi tiếng Anh thông dụng phải là “Notion of sets” hoặc “Concept of sets”.
Khó tháo gỡ hay cần đội giá sách?
Bóc tách sâu vào câu chuyện dịch sách, dễ thấy lỗi dịch tràn lan chính là lực lượng dịch giả còn quá mỏng so với số bản sách nước ngoài nhập về. Số liệu thống kê của Cục Xuất bản cho thấy, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu hơn 96.000 đầu sách nước ngoài. Trong khi đó, theo dịch giả Lê Bá Thự: “Số lượng dịch giả ở Việt Nam chắc chắn không đủ sức để dịch hết các tác phẩm nước ngoài trên. Chỉ tính riêng ở mảng văn học, người biết ngoại ngữ thì nhiều, nhưng người dịch được văn học thì ít và thậm chí họ còn phải làm thêm những công việc khác”. Bên cạnh đó, theo dịch giả Lê Bá Thự, dịch một cuốn sách 300-400 trang sang tiếng Việt, người dịch mất ít nhất 6 tháng. Thù lao của họ thực tế chỉ dừng ở mức 10-15 triệu đồng, thế nên “Không có nhiệt tình, đam mê, vì người đọc thì dịch giả chẳng bao giờ làm những việc này, vì thù lao không nuôi nổi dịch giả”.
Trên thực tế, ở Việt Nam mới chỉ có bộ phận Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn, nhưng theo ông Lê Bá Thự: “Họ chỉ làm công tác chuyên môn là chính”. Dịch giả nổi tiếng về văn học Ba Lan nhấn mạnh sự cần thiết của một tổ chức chính thống để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người làm công tác dịch thuật: “Nếu có một tổ chức như vậy, các dịch giả có thể gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm làm cách nào để nền dịch thuật của chúng ta ngày càng tốt hơn”.
Sau cơn “tai biến” dịch thuật với cuốn Sapiens: Lược sử loài người, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Công ty phát hành sách Alphabooks đã đề ra giải pháp: Tạo ra các phân khúc khác nhau dành cho sách dịch, tương tự như cách các hãng hàng không tạo ra khoang hạng thường và hạng thương gia trên các chuyến bay. Lấy ví dụ về 2 cuốn sách bị phàn nàn chất lượng dịch là Sapiens: Lược sử loài người và xa hơn là Xứ Đông Dương, ông Bình đề xuất thử nghiệm 2 phiên bản. Một bản bình thường tạm gọi là Economic Edition (tương đương khoang hành khách phổ thông) có thể bán với giá 195.000 đồng/bản như thị trường với chất lượng “vừa phải, nhanh, đáp ứng độc giả bình thường dễ tính”. Bản còn lại cao cấp hơn là Premium Edition (tương đương máy bay hạng thương gia), giá 500.000 đồng/bản với cam kết “không sai sót, chất lượng in ấn tốt, nếu sai, hoàn tiền gấp đôi, không cắt xén, nếu cắt xén sẽ xuất bản điện tử trên trang thương mại số Amazon”. Cách làm này được kỳ vọng vừa giải quyết nguồn thu cho người làm sách, vừa đảm bảo vẫn có những bản dịch chất lượng đến tay độc giả trong tương lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận