Chuyện dọc đường

Sài Gòn tiễn những người con xa xứ về quê

06/02/2021, 16:27

Tờ mờ sáng, đường Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) 25 tháng Chạp đã lố nhố người, gọi nhau ơi ới, bồng bế lên xe: Công nhân đang về quê đón Tết.

Tô Thị Mai (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bế cậu con trai 3 tuổi trên tay đến đây từ rất sớm.

Hôm nay, Mai cùng hàng trăm công nhân từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM về đây đi "Chuyến xe nghĩa tình" về quê ăn Tết.

Hàng trăm chuyến xe, hàng ngàn tấm vé được các nhà hảo tâm, các tổ chức ở TP.HCM tài trợ cho công nghèo về quê đoàn tụ với gia đình dịp Xuân về.

Mai làm việc ở một công ty gốm sứ ở KCN Tân Bình, TP.HCM. Năm nay cô bế con trai về quê, còn chồng ở lại tiếp tục làm việc.

img

Những chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân miền Trung về quê đón Tết sáng 25 tháng Chạp

Cũng như hàng nghìn, chục nghìn, trăm nghìn công nhân khác ở TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ, lương của Mai chỉ dao động quanh mức 5 triệu đồng/tháng.

Sau khi đóng Bảo hiểm xã hội và các khoản khác, cô còn khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

May mắn được tăng ca thì có thu nhập thêm. "Nhưng năm nay đơn hàng khó khăn lắm, tụi em không trông vào đâu được cả", Mai nói.

"Tăng ca" một thời là nỗi ám ảnh của công nhân TP.HCM những năm 1995-2015. Những năm sau này và vào "năm Covid-19" thứ nhất 2020, "tăng ca" là nỗi khao khát của những người công nghèo bán sức lao động bởi đơn hàng khan hiếm, họ ít có cơ hội có thu nhập tăng thêm.

Cùng chung chuyến xe với Mai, nữ công nhân Lê Thị Thương nói: Nếu phải mua vé về quê cộng chi phí ăn uống trên đường, cô phải mất 1,5 triệu đồng cho chuyến xe 30 tiếng đồng hồ.

1,5 triệu không lớn với nhiều người nhưng cũng chiếm hết gần 1/3 tháng lương của những công nhân như cô, tức bằng 9 ngày làm việc nhọc nhằn.

5 năm chưa được về Tết, Lê Thị Hoa ở Nghệ An, đang làm việc ở Thuận An, Bình Dương nghèn nghẹn kể: "Đêm qua em không ngủ được. Cả nhà đang chờ em về. Về nhà em được gặp con".

Và sau lớp khẩu trang gần kín mặt, tôi thấy cô cười. Cười mà nước mắt lưng tròng. Long lanh trong giọt nước mắt đầy ắp nỗi niềm quê hương. Chắc cô đang nghe rõ tiếng cậu con trai bi bô gọi mẹ...

Trời gần tỏ mặt người thì lượng công nhân dồn về càng đông. Ai cũng náo nức. Mỗi người lên xe lỉnh kỉnh va ly và giỏ quà, được các anh nhà xe đón tiếp và xếp hành lý gọn ghẽ.

Lại được các nhà hảo tâm tặng phong bao lì xì 50.000 đồng/người. Mùa dịch, mỗi hàng ghế chỉ một người ngồi, rộng rãi.

6 giờ sáng, chuyến xe đầu tiên trong ngày xuất phát. Những người ở lại tiễn đưa vẫy tay lưu luyến. Đường phố Sài Gòn sớm mai mát lịm, vàng rộm nắng vàng trên những cành mai.

"Chuyến xe nghĩa tình", "Tấm vé nghĩa tình" là một trong những chương trình do Thành đoàn TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM cùng các cơ quan, đơn vị khác phát động và ủng hộ, đến nay đã bước sang năm thứ 13.

Chương trình năm nào cũng được các tổ chức, cá nhân chung tay với hàng chục nghìn tấm vé, hàng trăm chuyến xe.

Một số công nhân còn được tặng cả vé máy bay, vé tàu hỏa.

Nói về nghĩa cử này, một nhà tài trợ giấu tên bày tỏ: "Giúp công nhân nghèo về quê đón tết, chúng tôi không chỉ coi đó là sự chia sẻ mà trên hết, còn là ghi nhận đóng góp của họ cho thành phố thân yêu.

Không có những người lao động tỉnh xa cần cù, chịu thương chịu khó và hy sinh rất nhiều đời sống riêng tư thì TP.HCM không thể có được vóc dáng và sự giàu có như ngày hôm nay".

Từ nay đến Tết nguyên đán còn nhiều chuyến xe nghĩa tình nữa xuất phát từ TP.HCM.

Ở quê xa, những người mẹ người cha, những người vợ người chồng và những đứa con thân yêu đang đang chờ cha, mẹ trở về sau một năm hoặc nhiều năm lao động vất vả.

Hẳn những gia đình ấy năm nay sẽ được đón một cái tết sum vầy, yêu thương và ấm áp.

Ấm áp của tình thâm. Ấm áp của nghĩa tình Sài Gòn. Và Sài Gòn nghĩa tình không của riêng ai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.