Điện ảnh

Sân khấu Thủ đô rục rịch sáng đèn trở lại

28/09/2021, 16:30

Sau một thời gian dài phải nghỉ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, các sân khấu ở Thủ đô bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, dự báo có thể thấy trước là rất khó để thu hút khán giả như trước đây, khi dịch bệnh chưa phức tạp.

Vừa làm vừa “rén”

Sân khấu chỉ “nằm thở” suốt mấy tháng qua, nhiều diễn viên xiếc phải linh hoạt để kiếm thêm thu nhập vì áp lực “cơm áo gạo tiền”.

Người đi ship hàng, bán đồ online để thêm bữa cơm, bữa rau. Người bỏ ra ngoài làm, kẻ về quê làm thợ mộc…

img

Nhà hát Tuổi trẻ tập luyện vở “Cuộc chiến Virus” để trở lại khi dịch bệnh được khống chế

Từ giờ tới cuối năm, kỳ vọng khán giả đến rạp là điều xa vời. Với việc ghi hình phát trực tuyến, nhà hát không dám đưa lên những vở “mũi nhọn”, còn bán vé ở sân khấu. Do đó, khi đưa lên sân khấu online, chúng tôi chỉ chọn những trích đoạn kinh điển đã tham gia ở các liên hoan và đạt giải cao. Điều này chủ yếu đến truyền thông, giới thiệu gương mặt nghệ sĩ là chính chứ không làm giải pháp cho sân khấu được.
NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam

Đó là thực trạng diễn ra ở Liên đoàn xiếc Việt Nam khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua và các buổi biểu diễn buộc phải hủy bỏ. Để giờ đây, khi Hà Nội bắt đầu nới lỏng giãn cách và nghệ sĩ có thể trở lại tập luyện, liên đoàn cũng mất đi một số nghệ sĩ, nhân viên.

Nhưng theo lời NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, liên đoàn coi đây là đợt để tinh giản bộ máy nhân sự, giảm áp lực chi phí. Những nghệ sĩ còn gắn bó đã bắt đầu trở lại tập luyện từ ngày 21/9 vừa qua sau hơn 3 tháng nghỉ ngơi.

Trong đó, một số đã và đang luyện tập các tiết mục đơn lẻ như xiếc truyền thống, “Biệt đội siêu anh hùng giải cứu” để ghi hình phát online theo chủ trương của Cục Nghệ thuật biểu diễn từ tháng 8.

Không chỉ vậy, sang đầu tháng 10, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng kết hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu”, nằm trong dự án “Huyền sử Việt”.

Tác phẩm được xây dựng dựa trên huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh. Theo tiết lộ, vở sẽ được dàn dựng theo phong cách cho sân khấu vuông, đầu tư ánh sáng và bối cảnh để làm hiện lên hình ảnh Thánh Mẫu một cách lung linh, huyền ảo nhất.

Trong khi đó, các nhà hát khác cũng bắt đầu rục rịch. Nhà hát Múa rối Việt Nam đang lên ý tưởng, tạo hình con rối cho một vở múa rối nước về đề tài Covid-19.

Nhà hát lên kế hoạch dàn dựng những vở diễn thiếu nhi để sau khi hết dịch, sẽ có tiết mục mới phục vụ các em nhỏ ngay lập tức.

Nhà hát Chèo Hà Nội tiếp tục triển khai dàn dựng vở “Chuyện tình một Quân vương”. Nhà hát Tuổi trẻ lại có sẵn kịch mục “Bầy chim Thiên Nga”, đồng thời chuẩn bị dựng vở nhạc kịch thiếu nhi “Cuộc chiến Virus”, cũng như vở “Ao làng” để tham gia Liên hoan Kịch nói Toàn quốc dự kiến diễn ra cuối tháng 10 ở Hải Phòng.

Nhà hát Kịch Việt Nam dự kiến dàn dựng vở “Thiên mệnh” (đạo diễn Đỗ Kỷ) trong thời gian tới khi dịch bệnh được khống chế….

Dù có nhiều dự án bắt đầu được triển khai trở lại nhưng thực tế, các nhà hát vẫn “rén”. Bởi theo nghệ sĩ Minh Hiếu, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, dịch bệnh chưa hoàn toàn được khống chế. Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 15 nên các nhà hát vẫn phải chấp hành không tập trung quá 20 người. Do đó, hoạt động tập luyện chưa trở lại được bình thường.

Khó có khán giả

img

Nhà hát Múa rối Việt Nam lên kế hoạch phát triển các kênh trên online để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tác phẩm với khán giả

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, thời gian qua, một số nghệ sĩ đã được gọi đến tập luyện, ghi hình trích đoạn “Đồng vọng rối Việt” và Múa rối nước truyền thống cho chương trình sân khấu truyền hình, trực tuyến của Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

“Anh em vui như đi hội, cười nói rôm rả. Tinh thần của ai cũng phấn chấn, hớn hở bởi đã lâu mới được làm nghề”, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ. Đối với múa rối, mỗi vở diễn ê-kíp chỉ có khoảng 15-20 người nên vẫn đáp ứng được vấn đề bảo đảm an toàn phòng dịch. Các vở do đó cũng không phải rút gọn về sự đầu tư hay nhân sự.

“Tuy nhiên, thời gian tới, khó có khán giả đến với sân khấu truyền thống. Nghệ thuật sẽ là lĩnh vực cuối cùng của sự phục hồi khi dịch bệnh đi qua. Bởi chỉ khi đã an toàn, cuộc sống đầy đủ cơm ăn áo mặc, khán giả mới nghĩ tới giải trí nghệ thuật. Do đó, nhà hát đang tính tới những đầu ra khác nhau cho các vở diễn. Chúng tôi dự định làm online nhiều hơn, lập một kênh riêng để quảng bá, giới thiệu những chương trình mới. Nếu làm hấp dẫn, khán giả sẽ có thôi. Không thể vì dịch Covid-19 mà bỏ qua phát triển sự nghiệp sân khấu”, anh khẳng định.

Suy nghĩ này được nhiều nghệ sĩ đồng thuận. Đạo diễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, giờ đã là dịp sắp cuối năm nhưng dịch bệnh vẫn phức tạp.

Người dân có tâm lý ngại đến rạp, ngại đám đông nên thời gian tới vẫn khó cho sân khấu. Anh tiết lộ thời gian giãn cách xã hội, nhân sự của nhà hát vẫn trao đổi, bàn bạc kịch bản để khi hết giãn cách sẽ lập tức lên sân khấu.

Nhưng, liệu có khán giả hay không là điều khó nói trước.

Trong khi đó, NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, chuyện có khả năng nhất bây giờ là tập luyện để cuối năm có thể ra mắt vở mới, hoàn thành các vở đặt hàng.

Anh đánh giá, ít nhất sang đầu năm 2022, khi có lộ trình, phương pháp tích cực để phòng chống Covid-19, các nhà hát sân khấu mới triển khai được việc bán vé và có hy vọng có khán giả.

Bởi thế trong thời gian này, anh tính đến phương án xây dựng chương trình diễn online bán vé. Nhưng với anh, đây chỉ là giải pháp tình thế. Bởi “làm online cần âm thanh ánh sáng chuyên nghiệp, đẹp mới đạt được hiệu quả. Hiện nay, các các sân khấu không đáp ứng được điều này”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.